MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cột điện bị đổ theo kiểu “tiện ngang” trong bão số 5. Ảnh: Hữu Long

Hàng trăm cột điện bị “hạ đo ván”: Cần thành lập hội đồng khoa học để đánh giá

CƯỜNG NGÔ LDO | 24/09/2020 20:33

Cơn bão đi qua các tỉnh miền Trung với sức gió cấp 8-9, giật cấp 11 đã khiến hàng trăm cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 với ứng suất chịu được gió giật cấp 12 bị “hạ đo ván” trong sự bất ngờ của người dân. Trước vấn đề này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tạm dừng sử dụng cột điện bê tông ly tâm để đánh giá lại sức chịu đựng trong điều kiện bão, lũ.

Kiểm tra chất lượng hàng trăm cột điện bị gãy

Khi cơ bão số 5 (Noul) quét qua một số tỉnh thành ở miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam..., điều khiến dư luận quan tâm là rất nhiều cột điện bê tông cốt thép ly tâm (hay còn gọi là cột ly tâm dự ứng lực) bị gãy, đổ theo dạng bị đứt lìa.

Thống kê bước đầu của Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế, có gần 500 cột điện loại này bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp. Dư luận rất băn khoăn và đặt câu hỏi về sức chống chịu của cột đúc ly tâm dự ứng lực. Không ít ý kiến đề xuất, với vùng thiên tai như Huế, cần sử dụng loại cột điện “đặc biệt” có khả năng chịu tác động của bão lớn.

Trao đổi với báo Lao Động, đại diện EVN cho biết, từ năm 2016, Hội Bê tông Việt Nam đã biên soạn Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016 về cột điện bêtông cốt thép ly tâm. Sau đó, Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Xây dựng) thẩm định bộ tiêu chuẩn này. Khi đạt các tiêu chuẩn và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, EVN khuyến khích các đơn vị thành viên sử dụng cột bêtông cốt thép ly tâm, thay cho trụ điện truyền thống.

Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều cột điện ly tâm dự ứng lực bị đổ gãy do ảnh hưởng của bão, trong cuộc họp giao ban sáng 21.9, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực; trước mắt dừng sử dụng các loại cột này và tính toán lắp đặt các loại cột đảm bảo khả năng chống chịu bão. Lãnh đạo EVN cũng đề nghị các ban thuộc tập đoàn nghiên cứu về việc sử dụng cột điện phù hợp ở khu vực thường xuyên có bão, từ đó, đề xuất tiêu chuẩn để các đơn vị triển khai thực hiện.

Khi được hỏi kế hoạch thay thế các cột điện bêtông cốt thép ly tâm sắp tới như thế nào, đại diện EVN khẳng định: “Đây mới chỉ là đề xuất một phía từ EVN, còn lộ trình nghiên cứu, thực hiện như thế nào cần phải có các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của loại cột ly tâm trong điều kiện cụ thể như diễn biến của đợt thiên tai vừa qua”.

Vì sao không nhìn thấy lõi thép khi cột điện bêtông ly tâm ứng lực trước bị gãy?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn đường dây (thuộc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1) cho biết, cột bê tông thường khác cột bêtông ly tâm ứng lực ở phương pháp sản xuất bêtông. Cột bêtông ly tâm được sản xuất bằng phương pháp quay ly tâm.

Trên thế giới, loại cột phổ biến đang dùng trong truyền tải điện là cột được sản xuất từ công nghệ bêtông ly tâm kết hợp cốt thép ứng lực trước (còn gọi cột điện bêtông ly tâm ứng lực trước). Cốt thép trong bêtông ly tâm ứng lực là cốt thép cường độ cao, được kéo căng ra bằng máy kéo ứng suất trước, đạt tới một giá trị ứng suất nhất định theo thiết kế, nằm trong giới hạn đàn hồi của nó trước khi các kết cấu bêtông cốt thép này chịu tải. Ưu điểm về cột điện ứng lực trước là chịu lực ở đầu cột lớn hơn.

Trả lời câu hỏi: “Có ý kiến cho rằng, cột điện ly tâm ứng lực bị mưa bão làm gãy là do chất lượng cột kém?”, ông Hùng nói, bất cứ loại cột bêtông nào sản xuất ra đều phải tuân thủ về thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia đó và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.

Còn về nguyên nhân gãy, đổ cột điện trong mùa mưa bão, do có nhiều tải trọng bất lợi khác nhau không thể dự báo trước tác dụng lên cột điện bêtông như cây đổ, vật cản nặng tác dụng lên cột,… Những nguyên nhân này đều có thể gây gãy, đổ cột điện. Thiệt hại này có thể xảy ra với bất cứ quốc gia nào hay chịu tác động của mưa bão.

Trước những thắc mắc về việc sau khi cột điện gãy không nhìn thấy cốt thép ở trong, ông Hùng cho rằng, đối với cột điện bêtông ly tâm ứng lực trước, khi sản xuất, cốt thép được căng trước. Vì vậy, khi gãy cột điện, cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu, rút vào trong bêtông với độ sâu khoảng 1cm. Do cốt thép có đường kính nhỏ, bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bêtông. Đây là hiện tượng quán tính bình thường của vật lý, giống như sợi dây đang căng mà đứt ra thì sẽ co về 2 đầu và cốt thép trong bêtông này cũng tương tự như vậy.

Bày tỏ quan điểm với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, quy định về thiết kế cột điện rất nghiêm ngặt nhưng thực tế đơn vị sản xuất có làm theo đúng TCVN hay không thì cần có một đơn vị chuyên môn độc lập kiểm tra, giám sát. Để không xảy ra hậu quả đáng tiếc, các cơ quan Trung ương cần thành lập hội đồng khoa học để đánh giá. Nếu chất lượng cột điện không đảm bảo theo tiêu chuẩn thì phải dừng sử dụng, xử lý những đơn vị liên quan.

Ngành điện không tự ý soạn thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016

Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế khẳng định, ngành điện không tự ý soạn thảo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5847:2016 và cũng không sản xuất cột điện bêtông cốt thép ly tâm để sử dụng. Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, ngành điện chọn đơn vị trúng thầu để cung ứng cột điện. Quá trình sản xuất, lắp đặt cột điện cũng được các cơ quan chuyên môn, ngành điện lực giám sát theo quy trình nghiêm ngặt.

Huế tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực

Phó giám đốc Cty Điện lực Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đại Phúc cho biết, theo thiết kế các cột điện ly tâm dự ứng lực chịu được gió trên cấp 12 theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5847:2016, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và Bộ Khoa học và công nghệ công bố. Các cột điện này khi đưa vào sử dụng cho công trình đều tuân thủ các quy định hiện hành. Hiện nay, TCty Điện lực miền Trung đã giao các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của loại cột ly tâm trong điều kiện cụ thể như diễn biến của đợt bão số 5 vừa qua. Khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có chuyên môn, Cty Điện lực Thừa Thiên-Huế sẽ tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn