MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm đã xong toàn bộ phần bê tông, chỉ còn lại phần mặt cầu, lan can, vòm kiến trúc và một số hạng mục phụ trợ. Ảnh: Văn Thành Chương

Hàng trăm hộ dân lo lắng khi tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dự án cầu 100 tỉ đồng

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 25/07/2023 06:00

Điện Biên - Như Lao Động đã phản ánh, dự án cầu 100 tỉ đồng bắc qua sông Nậm Rốm đã thi công được khoảng 80% nhưng có nguy cơ phải kéo dài do không được bố trí đủ vốn.

Thông tin trên đã khiến khiến hàng trăm hộ dân lo lắng vì sợ bị ảnh hưởng kéo dài, trong đó hàng chục cơ sở kinh doanh. Hiện tại, nhà thầu cũng cũng bắt đầu rút bớt công nhân và phương tiện máy móc để chờ được cấp vốn.

Đại diện nhà thầu, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại số 6 Điện Biên cho biết, nếu chủ đầu tư cấp đủ vốn thì đến nay đã có thể hoàn thành công trình này - tức là hoàn thành trước thời hạn khoảng 1 tháng.

"Tuy nhiên, hiện nay công trình đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng nhưng mới chỉ được cấp hơn 30% vốn. Trong khi đó, ngân hàng chỉ cho vay tương ứng với số vốn được bố trí nên công ty không thể xoay sở được" - ông Tuấn nói.

Cầu 100 tỉ đồng bắc qua sông Nậm Rốm đã xong toàn bộ phần bê tông. Ảnh: Văn Thành Chương

Trước đó, ngày 13.3.2023, UBND TP Điện Biên Phủ đã tổ chức khởi công dự án xây dựng cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm trên tuyến giao thông quan trọng nối từ Sân bay Điện Biên đến trung tâm TP Điện Biên Phủ với tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng.

Từ khi dự án được triển khai, hàng trăm hộ dân ở khu vực lân cận phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ bụi và tiếng ồn. Bên cạnh đó, hàng chục đơn vị kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn...

Ông Đ.V. Tuấn ở phố 2, phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ cho biết: "Thời gian đầu, họ thi công cả ngày cả đêm, tiếng búa máy rung lắc khiến cả khu dân cư không ngủ được. Chúng tôi rất chia sẻ với nhà thầu vì áp lực tiến độ, tuy nhiên khi biết vấn đề thiếu vốn, chúng tôi vô cùng lo lắng".

Hàng trăm hộ dân, hàng chục hộ kinh doanh bị ảnh hưởng từ dự án xây dựng cầu Thanh Bình từ hơn 4 tháng qua. Ảnh: Văn Thành Chương.

Đại diện đơn vị kinh doanh - Siêu thị Tâm Đỏ - một trong những siêu thị lớn nhất tại TP Điện Biên Phủ nằm trên đường Trần Đăng Ninh cũng cho biết: "Từ khi đóng tuyến đường để làm cầu, doanh thu của siêu thị đã giảm 50-60%, trong khi đó chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động mà không được hỗ trợ đồng nào...".

Quản lý một cây xăng trên đường Trần Đăng Ninh cũng cho biết, từ khi đóng đường để xây cầu, doanh thu của cây xăng đã giảm trên 60%. "Chúng tôi rất mong cây cầu sớm hoàn thành và thông xe để các hộ kinh doanh và người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường" - vị quản lý cây xăng nói.

Để tìm hiểu rõ hơn về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vốn và giải phóng mặt bằng của dự án này khiến dự luận đang đặc biệt quan tâm, phóng viên Báo Lao Động cũng đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND TP Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, đến chiều 24.7 phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trước đó, ngày 22.7, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Viết Sáng - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình TP Điện Biên Phủ (đại diện chủ đầu tư) cho biết: “Do thiếu vốn nên trong năm 2023 TP Điện Biên Phủ chỉ bố trí được 41 tỉ đồng cho công trình này. Đến thời điểm hiện tại mới cấp cho nhà thầu được khoảng 36 tỉ đồng“.

Liên quan đến tiến độ thi công cầu Thanh Bình, ông Sáng cũng cho biết hiện còn 1 hộ gia đình kinh doanh nhà nghỉ bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về giải pháp để khắc phục những vấn đề này, ông Nguyễn Viết Sáng cho biết: “Về nguồn vốn vẫn phải chờ thành phố tiếp tục bố trí, còn về vướng mắc mặt bằng, hiện Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh trình phương án và đang chờ ý kiến trả lời”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn