MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy mía đường Hòa Bình nợ tiền mía nguyên liệu 3 năm nay không trả khiến người dân khốn khổ. Ảnh: Khánh Linh

Hàng trăm hộ dân ở Hòa Bình bức xúc vì nhà máy đường nợ tiền nhiều năm

Khánh Linh - Minh Nguyễn LDO | 10/10/2022 08:31

Hòa Bình - Nợ tiền người dân gần tỉ đồng rồi rút khỏi địa phương, 3 năm nay, Công ty mía đường Hòa Bình đã để lại cho người dân một mớ hỗn độn không biết kêu ai.

Thông tin tới Báo Lao Động, hàng trăm hộ dân ở Hòa Bình bức xúc về việc Công ty mía đường Hòa Bình (Hoasuco) đã nợ tiền mía của người dân hơn 3 năm nay không trả, sau đó tuyên bố phá sản và bặt vô âm tín.

Ngày 6.10, có mặt tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, theo ghi nhận của PV, từ một vùng trồng mía nguyên liệu nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình, nay chỉ còn là những bãi ngô, lúa đan xen, chỉ còn số ít hộ dân trồng mía tím và mía trắng để phục vụ sử dụng trong gia đình. 

 Công ty nay đã cửa đóng then cài, sân trước được người dân tận dụng làm sân phơi nông sản.

Trụ sở công ty và nhà máy chế biến đã cửa đóng then cài. Phía trong, khung cảnh hoang tàn, nhếch nhác. Khu vực sân trước - nơi từng là chỗ tập kết các xe mía thì nay trở thành chỗ phơi lúa của bà con. Khi PV hỏi về chuyện nhà máy mía đường nợ tiền dân, ai ai cũng thở dài não nề và lắc đầu ngán ngẩm.

Chỉ tay ra những ruộng ngô bạt ngàn, nơi từng là những ruộng mía xanh ngát, ông Bùi Văn Ngác (60 tuổi, trú tại thôn Song Khảnh, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) nói: "Tôi đứng ra làm chủ hợp đồng cho 15 hộ dân, đến vụ năm 2018-2019 khi mía giao cho nhà máy rồi nhưng tiền chưa thấy đâu, tôi có đến hỏi thì đại diện công ty cứ hẹn ngày nọ ngày kia rồi mãi không thấy trả.

Phía bên trong nhà máy bỏ không.

Đến gần Tết, dân cứ đến nhà tôi đòi, tôi phải vay ngân hàng hơn 40 triệu đồng để ứng trước cho bà con ăn Tết".

Theo ông Ngác, đến nay, số tiền nợ ngân hàng nhà ông đang phải trả vẫn còn 15 triệu đồng và phải đóng lãi hàng tháng.

"Cuối năm 2019, chúng tôi đi đòi thì ông Nguyễn Thắng, giám đốc công ty có hứa hẹn trả, nhưng cứ khất lần lượt mãi và chỉ ký với nhau vào bản đối chiếu công nợ rồi thôi" - ông Ngác ngậm ngùi. 

Ông Bùi Văn Phong - bí thư chi bộ thôn Song Khảnh cho biết: "Tại xóm Song Khảnh, số tiền công ty nợ dân còn hơn 260 triệu đồng với 45 hộ dân. Người dân ruộng đồng quanh năm trông chờ vào mỗi vụ mía mà mấy năm nay công ty nợ rồi bặt vô âm tín".

Biên bản đối chiếu công nợ của Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình ký với người dân. Ảnh: NDCC

Theo ông Phong, trước đây, thời điểm cao nhất, cả xóm trồng tổng diện tích lên đến 35ha mía cho bà con có thu nhập ổn định. Nhưng sau khi công ty mía đường nợ tiền không trả, không còn ai trồng nữa, diện tích đó bà con trồng ngô, sắn. 

Cũng theo thông tin từ ban quản lý xóm, không chỉ nợ tiền mía nguyên liệu của người dân, công ty còn nợ tiền thực phẩm của hộ gia đình bà Bùi Thị Quỳnh (xóm Song Khảnh, xã Tân Mỹ) với số tiền lên đến 400 triệu đồng. 

 Người dân địa phương cho biết khu vực ruộng ngô trước cửa nhà văn hóa xóm Song Khảnh, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn trước đây được trồng mía nguyên liệu. 

Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Năm 2016, công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình chuyển từ TP Hòa Bình về đặt tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2017. Đến niên vụ mía năm 2018-2019 thì công ty bắt đầu nợ dân".

Theo ông Toàn, nguyên nhân nợ tiền mía được cho là nhà máy hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ. Cho đến nay, còn 149 hộ dân bị nợ tiền với tổng số tiền gần 900 triệu đồng, tập trung ở các xóm Song Khảnh, Bùi Ngheo, xóm Nạch, xóm Câu.

 Ông Bùi Văn Ngác (xóm Song Khảnh, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) hiện đang còn phải gánh số nợ ngân hàng để trả cho những người trồng mía.

Người dân đã nhiều lần đến hỏi, nhưng nhà máy không trả tiền, sau đó tuyên bố phá sản và rút khỏi địa phương. 

"Chính quyền địa phương mong muốn cơ quan chức năng, công an, cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ trách nhiệm của nhà máy đường, đồng thời mong muốn các cấp, ngành có thẩm quyền có phương án hỗ trợ cho người dân" - vị lãnh đạo cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn