MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng trăm hộ nghèo ở Đắk Nông viết đơn xin... thoát nghèo

BẢO LÂM LDO | 14/10/2020 19:00

Mặc dù là huyện nghèo thuộc diện 30A, nhưng hàng trăm hộ nghèo ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vẫn tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Hành động của họ đã lan tỏa về nhân cách, tinh thần tự lực vươn lên, san sẻ cho người khó khăn hơn.

Sau khi con trai lập gia đình, bà Bùi Thị Xuân đã tự tin để thoát nghèo. Ảnh: Bảo Lâm

Không muốn làm "gánh nặng" cho Nhà nước

Cuối tháng 9 vừa qua, thôn 8, xã Quảng Khê tổ chức cuộc họp toàn thôn. Sau khi nghe phổ biến về việc xét hộ nghèo năm 2020, nhiều hộ gia đình đã làm đơn xin thoát nghèo.

Anh Trần Văn Hùng (SN 1973) là một trong những hộ dân đầu tiên xin thoát nghèo ở thôn 8. Anh sinh ra trong gia đình 11 người con tại tỉnh Đồng Nai. Gia đình có đông anh em, thiếu đất đai sản xuất, năm 2009, Hùng cùng vợ con rời quê lên Đắk Nông lập nghiệp. Những năm đầu, do không có vốn liếng mua đất đai nên công việc chính của hai vợ chồng anh Hùng là đi làm thuê, cuốc mướn, nuôi dạy con cái ăn học. Thế nên, gia đình anh Hùng được địa phương bình xét thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng Khê.

Anh Hùng cho biết: "Từ 2019 đến nay, cuộc sống của gia đình tôi đã có bước tiến mới. Hiện, 1 ha càphê, hồ tiêu đã vào kỳ thu chính. Hơn nữa, người con trai đầu đã tự thân vận động, nuôi sống được bản thân. Gánh nặng con cái bớt đi, gia đình tự thấy mình đã bớt khổ hơn trước nên tự nguyện viết đơn xin địa phương cho thoát nghèo".

Tương tự, bà Bùi Thị Xuân (SN 1967) cũng đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Bà Xuân cho biết, sau khi gặp đổ vỡ trong hôn nhân, bà từ Tuyên Quang vào Đắk Nông sinh sống. Ngày mới vào đây chỉ có một mẹ, một con nên thực sự rất vất vả. Lúc đó, hai mẹ con bà mượn đất người quen và dựng một túp lều bạt để ở tạm và đi làm thuê kiếm sống. Hiện nay, gia đình bà mượn được 1 ha đất sản xuất càphê. Lô đất này nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 28, bà có điều kiện vừa tăng gia sản xuất, vừa bán quán nước, nên cuộc sống cũng dần được cải thiện. Hơn nữa, giờ đây con trai bà đã lập gia đình, ra ở riêng, nên bà viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

Bà Bùi Thị Xuân, thôn 8, xã Quảng Khê, Đắk Glong: "Trước hết, bản thân tôi xác định khi đã có tiềm lực để thoát nghèo thì không nên trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách của Nhà nước".

Lan tỏa rộng rãi

Theo ông Lê Trọng Thảo, Trưởng thôn 8, xã Quảng Khê, ban đầu chỉ có vài hộ dân xin thoát nghèo, sau đó nhiều hộ khác nhận thấy điều kiện của gia đình không còn quá khó khăn như trước đây, nên cũng làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. 300 hộ nghèo giờ có tới 66 hộ viết đơn xin thoát nghèo.

Hành động viết đơn thoát nghèo của các hộ dân đã lan tỏa về nhân cách, tinh thần tự lực vươn lên, san sẻ cho người khó khăn hơn ở huyện nghèo thuộc diện 30a. Ảnh: Bảo Lâm

Lãnh đạo UBND xã Quảng Khê cho biết, sau đợt rà soát, đánh giá, toàn xã có 1.095 hộ nghèo. Xuất phát từ thôn 8, đến nay, toàn xã đã có 247 hộ làm đơn tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo. Việc nhiều hộ dân của địa phương tình nguyện xin thoát nghèo cho thấy công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương đã có hiệu quả, người dân từng bước thay đổi cuộc sống. Hành động này của người dân thực sự là những tấm gương đẹp, góp phần xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Việc làm này cũng đã tạo động lực lớn cho các hộ nghèo khác trong xã tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, về phía UBND xã Quảng Khê, không vì người dân đã có đơn xin thoát nghèo mà chạy theo thành tích, xã chỉ đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nếu hộ nào đủ điều kiện, đời sống kinh tế không khó khăn.

Ông Trần Nam Thuần, Phó Bí thư huyện Đắk Glong phấn khởi cho biết, huyện sẽ có hình thức khen thưởng nhằm nhân lên những gương người tốt, việc tốt, thắp sáng lên niềm tin, hi vọng vào công cuộc giảm nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn