MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TPHCM) sau vụ tro cốt mất danh tính. Ảnh: Anh Tú

Hàng trăm hũ tro cốt mất di ảnh ở chùa Kỳ Quang 2: Không thể xét nghiệm ADN từ tro!

Anh Nhàn - Lệ Hà LDO | 04/09/2020 13:00

Chuyên gia nhận định rằng, tro cốt không thể xét nghiệm để xác định được ADN.

Nhiều hũ tro cốt mất di ảnh ở chùa

Hai ngày nay, tại khu vực chùa Kỳ Quang 2 (phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM), có đông người dân đến để phản ánh việc nhà chùa làm thất lạc di ảnh trên hũ tro cốt người thân của họ.

Thông tin đến người dân, sư thầy Thích Quang Thành (Ban nghi lễ chùa Kỳ Quang 2) cho biết, do quá trình di chuyển, các hũ tro cốt đã bị thất lạc di ảnh. Để khắc phục việc này, nhà chùa sẽ tiếp nhận danh sách và phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp để nhận diện tro cốt.

Từ sự việc này, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã xin lỗi người thân có tro cốt gửi tại chùa và nhận trách nhiệm khi không giám sát được việc dọn dẹp những hũ cốt dẫn đến sự việc trên.

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu cho biết thêm vào ngày 2.9, sau khi xảy ra vụ việc đã cho niêm phong hầm để cốt tránh người ngoài vào lấy hũ cốt còn hình đi. Ngày 17.9, sẽ hẹn người dân đến chùa để có cam kết về việc giám định ADN và thời gian hoàn trả hũ cốt cho các hộ gia đình.

UBND phường 17 (quận Gò Vấp, TPHCM) phối hợp với các cơ quan chức năng, cùng đại diện người dân và Hòa thượng Thích Thiện Chiếu mở phong tỏa, xuống hầm để kiểm tra số hũ cốt. Tính đến tối ngày 3.9, đã có 883 hũ tro cốt được kiểm đếm, niêm phong lại, giữ nguyên hiện trường để tiếp tục giải quyết tránh mất mát số lượng hũ cốt, để việc giám định ADN chính xác nhất.

Tro cốt có xét nghiệm ADN được hay không?

Tuy nhiên trao đổi với Lao Động, Ths Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) phân tích, muốn biết có xác định được ADN hay không thì phải phân biệt tro cốt hay hài cốt.

Tro cốt tức là thi hài sau khi chết được đem đi hoả thiêu. Khi đó, vật chất còn lại chỉ là carbon (tro cốt), không còn vật chất chứa thông tin ADN nên không thể giám định ADN được nữa.

Trường hợp khác là hài cốt được cất bốc ở các nghĩa trang, tức là vẫn còn thể rắn thì có thể xét nghiệm ADN.

Để đối chiếu ADN phải theo dòng mẹ, lấy tóc hoặc lấy máu thì tốt nhất. Kết quả xét nghiệm nhanh nhất cũng tầm 8-10 ngày. Tách chiếc ADN từ xương cốt, chi phí sẽ tốn tầm 10 triệu đồng.

Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An), Cố vấn khoa học xét nghiệm quốc tế Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân tích di truyền Gentis khẳng định: Xét nghiệm ADN trong hài cốt tồn tại phụ thuộc vào điều kiện bảo quản và môi trường tồn tại. Nếu là hài cốt đã hoả táng, trong điều kiện nhiệt độ lên đến hàng nghìn độ C thì ADN bị phá huỷ hết, phần còn lại chỉ là canxi nên không thể xét nghiệm ADN.

Trước đó, ngày 1.9 vào dịp lễ Vu lan báo hiếu, nhiều người dân đã đến chùa Kỳ Quang 2 (phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) thắp hương, tưởng nhớ người thân đã khuất. Sau đó, một số người đã phát hiện nhiều hũ tro cốt bị mất di ảnh và được để xáo trộn trong hầm tro cốt.

Bên cạnh đó, nhiều bức di ảnh còn được để lộn xộn dưới sàn nhà, chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người đã tìm đến đại diện nhà chùa để làm rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn