MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ hộ kinh doanh cá thể tại Tuyên Quang đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng nay chưa được hưởng chế độ. Ảnh: Nguyễn Tùng

Hàng trăm nghìn người dân bị thu trùng, thu sai bảo hiểm xã hội

Lam Duy LDO | 25/07/2023 06:34

Kết quả kiểm toán hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện ra hàng trăm nghìn trường hợp người dân bị thu trùng, thu sai phí bảo hiểm. 

Thu chi không đúng quy định

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố gây nhiều chú ý với hàng loạt dữ liệu về thu, chi, thanh toán bảo hiểm không đúng quy định.

Đặc biệt là việc một cơ quan Bảo hiểm xã hội quyết toán chi phí khám, chữa bệnh vượt dự toán các năm trước chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với số tiền hàng chục tỉ đồng.

Kết quả kiểm toán hoạt động năm 2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, thu bảo hiểm với các trường hợp không thuộc đối tượng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, gồm 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 4,4 tỉ đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 0,46 tỉ đồng.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội còn thu trùng phí bảo hiểm của 4.815 trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với số tiền 37,54 tỉ đồng; thu bảo hiểm y tế đối với 100.099 trường hợp trùng giữa ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng với các đối tượng khác đóng là 39,15 tỉ đồng. Đồng thời, còn thu bảo hiểm y tế trùng đối tượng do cấp trùng 8.027 thẻ bảo hiểm y tế với số tiền 6,4 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra cơ quan Bảo hiểm xã hội còn thanh toán tiền giường không đúng quy định 5,65 tỉ đồng; chi chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đủ điều kiện 2,34 tỉ đồng; bác sĩ chỉ định khám, chữa bệnh từ 2 cơ sở y tế trở lên trong cùng một ngày với số tiền 2,08 tỉ đồng; thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng điều kiện 1,37 tỉ đồng hay chỉ định dịch vụ kỹ thuật không phù hợp quy trình chuyên môn nghiệp vụ với số tiền 0,87 tỉ đồng. Đáng chú ý là việc quyết toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự toán các năm trước tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với số tiền 18,56 tỉ đồng.

Báo cáo gửi Quốc hội khóa XV (kỳ họp thứ V) do Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, con số nợ đọng, chậm đóng các quỹ bảo hiểm đến cuối năm 2021 là 16.350 tỉ đồng.

“... Trong đó số nợ đọng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn là 3.083 tỉ đồng nhưng chưa có quy định xử lý” - báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu.

Hàng chục năm bị thu nhầm

Như Lao Động phản ánh, theo quy định, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, nhưng suốt từ tháng 1.2003 đến tháng 12.2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội tại nhiều địa phương vẫn thu bảo hiểm bắt buộc đối với những trường hợp này.

Con số thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến tháng 9.2016 xác nhận, có tổng cộng 4.240 chủ hộ tại 54 địa phương đóng bảo hiểm bắt buộc. Song do việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc không đúng quy định của pháp luật, các chủ hộ này chưa được tính thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc để hưởng chế độ, đặc biệt có nhiều trường hợp đóng được gần 20 năm. Điều này khiến người dân bức xúc.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Viết Lâm (phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, ông là người khởi kiện cơ quan Bảo hiểm xã hội ra toà vì ông đã nộp vào Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang gần 380 triệu đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa nhận được quyền lợi của mình.

Về hướng xử lý vụ việc 4.240 chủ hộ này, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - cho biết, đã ký văn bản phê bình các Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thu sai đối với các hộ kinh doanh cá thể từ năm 2003.

Giải pháp cụ thể là đề xuất Quốc hội cho phép giải quyết quyền lợi với chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; cho phép họ được hưởng các quyền lợi như những người đã đóng bảo hiểm bắt buộc khác. Tuy nhiên theo những thông tin PV Báo Lao Động nhận được đến nay, các chủ hộ kinh doanh vẫn chưa được giải quyết các quyền lợi bảo hiểm như đề xuất của lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Tuyên Quang là địa phương bị thu sai bảo hiểm xã hội nhiều nhất

Trong câu chuyện với PV, bà Đào Thị Sinh (58 tuổi, tại xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang) nhiều lần không giấu được cảm xúc, những giọt nước mắt cứ trực trào trên gương mặt. Tất cả cũng chỉ vì chuyện bảo hiểm xã hội.

Bà Sinh tham gia BHXH theo diện bắt buộc cho chủ hộ kinh doanh từ năm 2004 đến năm 2020 đủ tuổi, đóng thêm 4 năm để được cấp sổ hưu.

Cứ ngỡ sau khi đóng đủ 20 năm sẽ được an nhàn với lương hưu, nhưng hiện giờ bà Sinh vẫn đang phải vật lộn với đủ việc để mưu sinh ở cái tuổi tay yếu, mắt mờ.
Bà Đinh Thị Hoa (thị trấn Tân Yên, Hàm Yên, Tuyên Quang) 4 năm nay đã phải tự mua bảo hiểm y tế để phòng những lúc ốm đau. Bà Hoa chua xót vì đã đóng đủ 20 năm BHXH nhưng đến nay chưa nhận được 1 đồng lương hưu.

Trong số hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH bắt buộc sai quy định từ năm 2003 đến năm 2016, tỉnh Tuyên Quang chiếm nhiều nhất với 870 trường hợp, phần lớn đều đã đóng đủ 20 năm.

Theo tìm hiểu của PV, trong số này có những người hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo như bà Hứa Thị Mai, ông Bùi Văn Học (đều ở thị trấn Sơn Dương, Tuyên Quang) nhưng vẫn mòn mỏi chờ lương hưu. Nguyễn Tùng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn