MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Tô Thế

Hàng trăm nhân viên tại Dự án Cát Linh-Hà Đông bỏ việc

Minh Hạnh LDO | 16/11/2019 16:07
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10.2011, dự kiến chạy thử và khai thác từ 30.6.2015. Nhưng đến nay sau nhiều lần lỡ hẹn dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại. Cùng đó, hàng trăm nhân viên của dự án này xin nghỉ việc.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu từ ga Cát Linh, điểm cuối đến ga Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng.

Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m, sức chở gần 1.000 khách, vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc khai thác thương mại 35km/giờ. Các đoàn tàu chạy bằng điện, với thiết kế tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội, tính lũy kế từ năm 2015 đến nay Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã có hàng trăm nhân viên trong tổng số gần 1.000 nhân viên được đào tạo theo chương trình của dự án để vận hành đã bỏ việc (khoảng 28%).

Nguyên nhân chính là dự án đưa vào khai thác, vận hành chậm nên đã xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Phần lớn đều là vị trí lao động phổ thông (không có trường hợp lái tàu nào xin nghỉ việc) và đã được đơn vị tuyển dụng, đào tạo bổ sung. Hiện tại, bộ phận nhân sự kỹ thuật đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng khai thác, vận hành dự án.

Theo thiết kế, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được bố trí 681 nhân sự tham gia khai thác, vận hành tuyến đường, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga. Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: Quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe...

Được biết, từ tháng 9.2018, dự án chạy thử nghiệm và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đặt mốc vận hành vào tháng 4.2019. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa đưa vào hoạt động thương mại. Theo đại diện Tổng thầu Trung Quốc, công trình chưa được khai thác theo kế hoạch tiến độ do một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án vì Dự án có những khác biệt giữa thủ tục nghiệm thu giữa hai nước. 

Cùng đó, Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước khi vận hành đoàn tàu chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc (Pháp) và được Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật.

Và phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối mới có thể đưa vào khai thác vận hành chính thức.. Hiện Cục Đăng kiểm đã kiểm định 13 đoàn tàu đạt 98%, đơn vị chưa hoàn thành việc kiểm định phương tiện do vẫn phải chờ tổng thầu cung cấp các hồ sơ thiết bị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn