MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng trăm phụ huynh không cho con đi học để phản đối việc sáp nhập trường

QUÁCH DU LDO | 10/09/2020 18:50

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, sau khi sáp nhập trường, các cháu học sinh sẽ phải đi học xa hơn, nguy hiểm hơn nên đã đồng loạt phản đối.

Phản đối vì phải đi học xa

Theo đó, những ngày vừa qua, tại hai xã Tế Nông và Trung Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã xảy ra sự việc, hàng trăm phụ huynh không cho con đến trường để phản đối việc sáp nhập trường, khiến hàng trăm học sinh Tiểu học không được đến trường.

Các phụ huynh tập trung phản đối việc sáp nhập trường và không cho con đi học. Ảnh: Người dân cung cấp.

Cụ thể, ngày 1.9, UBND huyện Nông Cống có quyết định sáp nhập và đổi tên trường Tiểu học và THCS xã Trung Ý (cũ) về Trường Tiểu học và THCS Trung Chính. Trường Tiểu học Tế Tân (cũ) sáp nhập về Trường Tiểu học Tế Nông và học sinh THCS Tế Nông sẽ sang học tại Trường THCS xã Tế Tân.

Quyết định này được thực hiện trên chủ trương sáp nhập địa giới hành chính tại nhiều địa phương ở huyện Nông Cống như: Xã Trung Ý sáp nhập vào xã Trung Chính và lấy tên là xã Trung Chính. Xã Tế Tân sáp nhập vào xã Tế Nông lấy tên là xã Tế Nông… Vậy nên, các đơn vị trường học tại các xã này cũng thực hiện sáp nhập lại.

Tuy nhiên, sau khi có quyết định trên, hàng trăm phụ huynh tại xã Trung Ý (cũ) và Tế Tân (cũ) đã kịch liệt phản đối. Phụ huynh học sinh cho rằng, cơ sở vật chất tại trường cũ vẫn đang đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập, việc đi lại cũng gần hơn so với trường mới.

Trường Tiểu học và THCS xã Trung Ý (cũ), nơi các phụ huynh phản đối việc sáp nhập. Ảnh: Quách Du

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Bùi Thị Cúc (62 tuổi, trú tại xã Trung Ý cũ, nay là xã Trung Chính) cho biết, sở dĩ nhiều hộ dân phản đối việc sáp nhập trường là do, trường mới khiến các cháu phải đi học xa hơn (khoảng 3km).

"Ngoài ra, ở quê chúng tôi, đa số bố mẹ các cháu đều đi làm ăn xa, việc đưa đón các cháu đều phụ thuộc vào ông bà. Giờ đưa các cháu đi học quá xa, ông bà không kham nổi" - bà Cúc nói.

Theo chị Trịnh Thị Thu (36 tuổi, trú tại xã Trung Ý cũ, nay là xã Trung Chính) cho hay, gia đình chị có 2 con nhỏ (một cháu học mầm non, 1 cháu học lớp 3). Trước kia khi trường gần nhà thì nhờ ông bà đưa đón cháu được.

"Bây giờ, sau khi sáp nhâp, trường mới xa hơn, đường đi nguy hiểm hơn, khi phải đi qua ngã tư Cầu Quan (nối với Quốc lộ 45) rất nguy hiểm. Vậy nên, bố mẹ phải thay nhau đưa đón các cháu và không thể tập trung vào công việc mưu sinh" - chị Thu chia sẻ.

Quyết định giữ lại điểm trường

Trước tình hình trên, chiều ngày 10.9, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Gia Xuân - Trưởng phòng Giáo dục huyện Nông Cống cho biết, để tạo điều kiện tốt nhất cho những gia đình đi làm ăn xa, có ông bà đưa đón các cháu đi học, huyện đã họp và thống nhất giữ lại 2 điểm trường tiểu học (điểm xã Trung Ý cũ và xã Tế Tân cũ).

Nhiều phụ huynh phấn khởi khi huyện Nông Cống quyết định giữ lại 2 điểm trường. Ảnh: Quách Du

"Việc sáp nhập trường vẫn tiến hành và không thay đổi. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc đi lại, học tập của học sinh, tại trường tiểu học ở xã cũ sẽ được đặt làm điểm trường. Thay vì hàng trăm học sinh phải di chuyển đến trường mới học vừa xa và không an toàn. Ngoài ra, huyện sẽ bố trí, điều động giáo viên đến các điểm trường này để giảng dạy" - ông Xuân nói.

Cũng theo ông Xuân, trong ngày 10.9, Phòng Giáo dục huyện cũng đã về, phối hợp với chính quyền 2 địa phương (nơi các phụ huynh chưa đồng tình sáp nhập trường), để tổ chức buổi họp phụ huynh nhằm lắng nghe, chia sẻ và thông tin đến đông đảo nhân dân về việc giữ lại hai điểm trường trên.

"Sau khi thống báo quyết định của huyện, hàng trăm phụ huynh tại hai xã trên đã tỏ ra phấn khởi, hoan nghênh và sẵn sàng để các cháu sớm trở lại trường lớp" - ông Xuân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn