MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm, giảm thu nhập. Ảnh minh họa: Thanh Chung.

Hàng triệu lao động được hỗ trợ trong đại dịch COVID-19

LƯƠNG HẠNH LDO | 08/08/2021 16:14
Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) đánh giá chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Hàng triệu lao động được trợ giúp

Sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Một số địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ (tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ 33 người lao động với kinh phí trên 133 triệu đồng, tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 24 hộ kinh doanh với kinh phí 72 triệu đồng; tỉnh Cà Mau hỗ trợ 3.180 người bán vé số lẻ lưu động, tổng kinh phí 2,385 tỉ đồng;…).

Người lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã được tỉnh Đồng Nai, tỉnh Trà Vinh, thành phố Đà Nẵng xác định là người lao động tự do có mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025, làm một số công việc như: thu gom rác, phế liệu, bốc vác, thợ hồ, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách (xe ôm truyền thống), xe lôi đạp, lái xe công nghệ 2 bánh; bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định...

Tỉnh Trà Vinh dự kiến hỗ trợ 7.131 người bán lẻ vé xổ số từ nguồn kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Trà Vinh, mức 60.000 đồng/người/ngày, tổng kinh phí dự kiến 6,4 tỉ đồng.

Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đã được thực hiện và đạt kết quả tốt. Ảnh minh họa: Tùng Giang

Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Tính đến ngày 18.7.2021, TP.Hồ Chí Minh có 235.932 người lao động tự do, chiếm 99,36% tổng số người lao động tự do, đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí là 353 tỉ 898 triệu đồng. TP.Đà Nẵng dự kiến sử dụng tổng kinh phí trên 92,86 tỉ đồng để hỗ trợ cho 90.646 đối tượng.

Tại TP.Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã đề nghị hỗ trợ 34 viên chức là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV (dự kiến hỗ trợ 126,14 triệu đồng); 14 hướng dẫn viên du lịch (dự kiến hỗ trợ 51,94 triệu đồng).

Cũng tính đến ngày 18.7.201, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ 3.726 người bán vé số lẻ với tổng kinh phí trên 2,79 tỉ đồng. Còn tại tỉnh Bình Định, Sở LĐTBXH đề xuất hỗ trợ gần 29.000 người lao động tự do với tổng kinh phí khoảng 43 tỉ đồng.

Vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn

Để tiếp tục phát huy kết quả trên, Bộ LĐTBXH kiến nghị đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Bộ cũng yêu cầu chủ động và tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

Cần có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không tham gia học tập đào tạo tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.

Bộ LĐTBXH đề xuất những giải pháp vừa tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 vừa tháo gỡ khó khăn do dịch. Ảnh minh họa: Thanh Chung.

Ngoài ra, nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỉ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, Bộ đề xuất Nhà nước cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc, có cơ chế khuyến khích dịch chuyển cung cầu lao động khai thông thị trường, linh động hỗ trợ các địa bàn thị trường yếu kém hoặc bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn