MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch COVID-19 bùng phát kéo theo hàng vạn tài xế taxi lao đao (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

Hàng vạn tài xế taxi cần được hỗ trợ

Cao Nguyên - Đặng Tiến LDO | 04/04/2020 10:33
Do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tài xế taxi, xe du lịch, xe công nghệ, xe hợp đồng ế ẩm vì không có khách hơn 2 tháng qua. Trong khi đó, gánh nặng về lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đang ngày một đè nặng lên đôi vai của họ.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Anh Trương Quang Giảng (Nam Trung Yên, Trung Hòa, Hà Nội) mua chiếc xe Toyota Vios gần 700 triệu đồng để chạy Grab, trong đó phải vay ngân hàng 500 triệu đồng và thế chấp bằng chính chiếc xe. Khoảng 1 tháng trở lại đây, lượng khách giảm đến 80%, kéo theo thu nhập cũng giảm. Theo anh Giảng, trước đây, mỗi ngày thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng, tổng thu nhập cả tháng cũng được khoảng 30 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí như chiết khấu cho Grab hơn 28%, cộng thêm xăng xe, ăn uống, số còn lại cũng đủ trả lãi ngân hàng, chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 người. Nhưng gần tháng nay, anh chạy từ sáng đến chiều chưa được 600.000 đồng, không đủ trả lãi ngân hàng. Đây là áp lực lớn đối với anh và hàng trăm nghìn lái xe công nghệ.

Anh Nguyễn Văn Chương (ở Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2019, anh quyết định vay ngân hàng để mua một chiếc ôtô về chạy taxi công nghệ. Ai ngờ, từ khi ra Tết đến nay, do dịch bệnh nên số lượng khách hàng giảm, thu nhập cũng giảm theo. “Tôi chưa biết xoay sở thế nào khi mỗi tháng trả lãi ngân hàng gần chục triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài chắc phải tính phương án bán xe trả nợ kiếm việc khác làm” - anh Chương tâm sự.

Doanh thu giảm nhưng những chi phí như tiền trả đàm thì giảm không đáng kể. Đối với những người chỉ chạy xe cho hãng không mua xe trả góp ngân hàng thì việc không có khách chỉ ảnh hưởng đến tiền lương hàng tháng. Anh Trương Quang Trung (xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định) là nhân viên lái xe của hãng taxi Thanh Nga được hơn 10 năm nay. Anh Trung cho hay, thu nhập không có nhưng các khoản phát sinh vẫn phải đóng bình thường. “Hơn 1 tuần nay, tôi chỉ quanh quẩn ở trong nhà. Thu nhập thì không có nhưng các khoản như tiền đàm vẫn phải đóng. Tháng trước, hãng có hỗ trợ 300.000 đồng (vẫn phải đóng 1.700.000 đồng - PV). Những tháng tới xe không hoạt động, hãng có giảm thêm hay không thì chưa rõ. Nếu không giảm thêm, đây cũng là một gánh nặng cho các tôi và các tài xế khác” - anh Trung chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - ông Nguyễn Công Hùng - cho rằng, trong lúc khó khăn, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn thời gian trả nợ, miễn giảm thuế, phí… để doanh nghiệp có thêm điều kiện vượt qua khó khăn.

Theo ông Hùng, hiện lượng khách và doanh thu của các hãng taxi đã giảm đến 80%, nhiều hãng xe không còn đủ lực để duy trì hoạt động kinh doanh nên đã phải cắt giảm nhân sự, cho lái xe nghỉ việc từ 30-40%.

Còn Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã Vận tải công nghệ Hà Nội - ông Nguyễn Xuân Tuấn - nói rằng, trên 70% lái xe phải vay ngân hàng để mua xe. Bình quân mỗi xe khoảng 500 triệu đồng và phân lớn lái xe phải vay ngân hàng khoảng 70% giá trị xe. Trong khi đó, doanh số hàng tháng được khoảng 30 triệu đồng, sau khi trừ chiết khấu cho hãng cung cấp phần mềm, xăng xe, số tiền còn lại khoảng 20 triệu đồng để trả ngân hàng một nửa và nửa còn lại dùng chi tiêu hàng ngày cho gia đình. Với khoảng 10 triệu đồng, lái xe chỉ ở mức đủ sống. Do dịch bệnh, vắng khách, tài xế khó khăn cần có cơ chế giảm thuế, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng và các hãng công nghệ giảm chiết khấu cho tài xế.

Cần khoanh và giãn nợ ngân hàng

Trước những khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng nên cân đối và có thể hỗ trợ những khách hàng cá nhân vay tiêu dùng mua xe để họ vượt qua. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, hiện chưa ngân hàng nào có động thái hỗ trợ cho các trường hợp là cá nhân vay mua xe kinh doanh. Hầu hết ngân hàng thương mại đang có kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp là chủ yếu.

Một số ngân hàng khác đang có chính sách ưu đãi cho khách hàng cá nhân, nhưng lại dành cho khách hàng mới. Nhiều ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất ưu đãi, giảm 2%/năm cho khách hàng cá nhân mới.

Đại diện Ngân hàng BIDV, các khách hàng cá nhân, bao gồm cả kinh doanh vận tải hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khi thỏa mãn các điều kiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và BIDV sẽ được xem xét, áp dụng các hình thức hỗ trợ như miễn, giảm, lãi/phí vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ… Từ ngày 14.2.2020, BIDV đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm cả lĩnh vực vận tải hành khách, với mức lãi suất cho vay 5,5%/năm.

Vietcombank cũng hỗ trợ theo hướng xét cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Khách hàng được hỗ trợ là đối tượng có nguồn trả nợ từ du lịch, dịch vụ vận tải, nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên, khách hàng phải chứng minh được doanh thu/thu nhập sụt giảm, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn theo lịch đã thỏa thuận. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện cơ cấu, khách hàng cũng phải có phương án phục hồi khả thi, cho thấy có đủ khả năng trả nợ.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, giảm lãi suất các khoản vay, giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với các đơn vị vận tải và cả đối với các xe kinh doanh hợp đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc đưa ra mức ưu đãi cho khách hàng mới là không hiệu quả, do ảnh hưởng của dịch nên người có nhu cầu vay tiêu dùng sẽ giảm mạnh. Các ngân hàng cần tập trung vào việc giãn nợ, cơ cấu, thay đổi thời gian kỳ hạn, cũng có thể khoanh nợ, chuyển nhóm nợ.

Cũng theo ông Hiếu, người lao động bị tạm nghỉ, mất việc, giảm thu nhập thì tín dụng cho tiêu dùng cũng phải được hưởng chế độ như doanh nghiệp. Người mua xe phải được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất trong dịch COVID-19.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng, mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn