MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh tra GTVT Hà Nội dừng xe kiểm tra quy định an toàn phương tiện xe khách. Ảnh: Đ.T

Hàng vạn xe ôtô “trốn” truyền dữ liệu giám sát: Tăng cường ứng dụng công nghệ, xóa quản lý thủ công

Đặng Tiến LDO | 21/04/2021 11:08
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 4 tháng (từ ngày 1.10.2020 - 31.1.2021) có tới 366.300 xe ôtô thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.Hà Nội vi phạm các lỗi về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe và công tác truyền dữ liệu. Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trung bình mỗi tháng có khoảng 70.000 xe ôtô kinh doanh vận tải “trốn” truyền dữ liệu giám sát hành trình.

Mỗi tháng khoảng 70.000 phương tiện “trốn” truyền dữ liệu

Theo Sở GTVT Hà Nội, qua kết quả khai thác dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) cho thấy, trong 4 tháng gần đây có tới gần 366.300 xe ôtô thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.Hà Nội vi phạm các lỗi về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe và công tác truyền dữ liệu. Trong đó, tổng số xe vi phạm về tốc độ là hơn 3.700, vi phạm về thời gian làm việc của lái xe là gần 90.300 xe và hơn 272.200 xe vi phạm về truyền dữ liệu thiết bị GSHT (không truyền dữ liệu từ 10 ngày trở lên).

Trước thực trạng các doanh nghiệp vận tải “trốn” việc truyền dữ liệu GSHT, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn thành phố chấn chỉnh công tác quản lý lái xe, bộ phận quản lý ATGT và thực hiện truyền dữ liệu GSHT.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2020 đã xử lý các vi phạm và đã thu hồi 204 phù hiệu gồm 144 phù hiệu “xe hợp đồng”; 11 phù hiệu “xe taxi”; 16 phù hiệu “xe tuyến cố định”; 3 phù hiệu “xe container”; 24 phù hiệu “xe tải”; 2 phù hiệu “xe đầu kéo” ; 3 phù hiệu “xe buýt”; 1 phù hiệu “xe du lịch” của các tổ chức, cá nhân.

Một số doanh nghiệp viện dẫn các lý do như do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện dẫn đến một số lượng lớn xe dừng hoạt động; thiết bị GSHT hỏng; xe đi vào vùng không có tín hiệu; xe gặp sự cố (hỏng, tai nạn); xe thanh lý không báo cáo; công tác bảo dưỡng sửa chữa, theo dõi và cập nhật dữ liệu thiết bị GSHT chưa tốt... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người thực hiện, cụ thể là bộ phận theo dõi an toàn giao thông chưa thực hiện tốt chức năng theo dõi, đôn đốc, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt đối với những vi phạm liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng dữ liệu thiết bị GSHT như: Thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu, vi phạm về tốc độ có thể lên tới 6.000.000 đồng đối với cá nhân và 12.000.000 đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng phù hiệu; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Không thể quản lý thủ công

Theo các chuyên gia giao thông, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác dữ liệu GSHT sẽ quản lý được các vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe, xe không truyền dữ liệu. Trong khi đó hiện nay, các tác nghiệp xử lý vi phạm phần lớn được thực hiện thủ công, dữ liệu trích xuất từ hệ thống về cần phải rà soát, kiểm tra cùng đơn vị vi phạm dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Theo thống kê, hiện Hà Nội đang quản lý trên 129.600 phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là xe tải (66.901 xe), tiếp đến là xe hợp đồng (59.284 xe hợp đồng)… Do đó, cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ, trang bị cho cơ quan quản lý nhà nước hạ tầng công nghệ nhằm thay thế dần các hình thức quản lý thủ công như hiện nay. Do đó phải nâng cấp hệ thống giám sát bảo đảm tính chính xác của dữ liệu, từ đó bỏ được các bước rà soát, duyệt dữ liệu khi xử lý vi phạm.

Hệ thống khai thác dữ liệu cũng phải kết nối được với hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm đồng bộ hóa số liệu cấp phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải. Ngoài ra phải có thêm các chức năng để kết nối đến từng đơn vị vận tải để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý và đơn vị một cách thuận tiện, thuận lợi việc xử lý vi phạm. Đồng thời phải có các quy định về trình tự, thời hạn, thời hiệu trích xuất, trách nhiệm xử lý vi phạm về quy định cung cấp, quản lý, sử dụng dữ liệu thiết bị GSHT.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã có nhiều văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT nâng cấp hệ thống, nghiên cứu bổ sung các dữ liệu liên quan như: Hành trình, phương tiện, hợp đồng vận chuyển (hợp đồng giấy, hợp đồng điện tử), hóa đơn điện tử; việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, tài chính, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Đào Việt Long, muốn quản lý chặt chẽ các loại hình vận tải cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm thay thế dần các hình thức quản lý thủ công như hiện nay. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng vi phạm tràn lan trong việc lắp đặt và sử dụng thiết bị GSHT.

Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải có xe vi phạm thực hiện ngay việc truyền dữ liệu GSHT theo quy định đồng thời tăng cường quản lý lái xe, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh, kiểm điểm đối với các lái xe thường xuyên vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của bộ phận/cán bộ quản lý và theo dõi ATGT của đơn vị.

Theo ông Đào Việt Long, các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT cũng cần khẩn trương phối hợp, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đã ký hợp đồng cung cấp và duy trì dịch vụ trong công tác thực hiện việc truyền dữ liệu thiết bị GSHT của các phương tiện theo quy định. Phòng Quản lý vận tải phải có trách nhiệm chủ trì rà soát, tổng hợp các báo cáo của các đơn vị, phối hợp Thanh tra Sở GTVT đề xuất thực hiện xử phạt đối với vi phạm không thực hiện các quy định về truyền dữ liệu GSHT, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn