MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp thứ Nhất Hội đồng Tiền lương Quốc gia trao đổi về tiền lương tối thiểu năm 2024. Ảnh: Quế Chi

Hành trình 10 năm Công đoàn tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia

Tất Thảo LDO | 15/08/2023 13:47

10 năm qua, Tổng LĐLĐVN đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 72%, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Những phiên thương lượng sôi nổi

Nhớ lại những lần tham gia thương lượng tại các phiên họp HĐTLQG, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách - Pháp luật, thành viên HĐTLQG - cho biết, tại các phiên họp thương lượng, đàm phán tiền lương tối thiểu vùng hàng năm, phía Tổng LĐLĐVN và phía đại diện người sử dụng lao động (VCCI) đều đưa ra nhiều phương án với những căn cứ, thông tin, số liệu, minh chứng rất phong phú để minh họa cho đề xuất của mình. Hầu hết các phiên thương lượng đều rất sôi nổi, trong đó có những phiên thương lượng diễn ra rất gay gắt.

Năm 2017, trong phiên họp đầu tiên của HĐTLQG, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 13,3%, VCCI và các thành viên phía giới chủ đề xuất không tăng. Tại phiên họp thứ 2 (ngày 28.7.2017), Tổng LĐLĐVN rút đề xuất xuống còn 8%, VCCI tăng lên thành 5%.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai bên vẫn còn khá xa (3%) nên các thành viên phía Tổng LĐLĐVN đã đề xuất Chủ tịch HĐTLQG dừng thương lượng, xem xét tại phiên thứ ba. Tại phiên họp thứ ba, phải sau gần 4 giờ thương lượng, HĐTLQG mới chốt được mức tăng cuối cùng là 6,5% để bỏ phiếu.

Còn vào năm 2020, tại phiên họp thứ hai của HĐTLQG (ngày 5.8.2020) để thống nhất chốt phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Khi quá trình thương lượng vẫn chưa kết thúc, Chủ tịch Hội đồng đã quyết định tiến hành bỏ phiếu với 2 phương án: (1) Tiếp tục thực hiện tiền lương tối thiểu vùng theo tháng của năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh trong năm 2021); (2) Chưa ban hành tiền lương tối thiểu theo giờ năm 2021 để đồng bộ với tiền lương tối thiểu theo tháng.

Không đồng tình với quyết định này, các thành viên của Tổng LĐLĐVN đã không tham gia bỏ phiếu đối với 2 phương án mà HĐTLQG đưa ra. Đây được xem là việc chưa có trong tiền lệ từ khi có HĐTLQG.

Đáp ứng được mong đợi của người lao động

Ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên thành viên HĐTLQG - cho biết, trước khi tham gia các kỳ họp thương lượng lương tối thiểu vùng, Viện Công nhân và Công đoàn luôn tiến hành khảo sát, cung cấp số liệu để phục vụ cho đàm phán.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch HĐTLQG - hành trình 10 năm qua, với nhiều thế hệ tham gia HĐTLQG đã cơ bản đáp ứng được mong đợi của người lao động. Các thành viên đã làm việc bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, từ khảo sát, lấy ý kiến, họp bàn, đưa ra các phương án… từ đó đấu tranh bảo vệ phương án tăng lương bằng cả cơ sở lý luận và thực tiễn rất thuyết phục.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, hằng năm, mỗi khi HĐTLQG chuẩn bị tổ chức các phiên họp, đoàn viên, người lao động cả nước lại háo hức, mong chờ và kỳ vọng vào các phương án mà Tổng LĐLĐVN sẽ đề xuất.

“Dù kết quả điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hằng năm tăng với các tỉ lệ khác nhau, song có thể đánh giá rằng: Vai trò, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong đại diện cho tiếng nói của đoàn viên, người lao động tại HĐTLQG thực sự có hiệu quả, được người lao động cả nước ghi nhận, đánh giá cao” - ông Hiểu nhìn nhận.

HĐTLQG được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14.5.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 3.7.2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1014/QĐ-LĐTBXH ngày 9.7.2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ban đầu, HĐTLQG có 15 thành viên, gồm: 5 thành viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 thành viên đại diện của Tổng LĐLĐVN và 5 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương.

Khi Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành và có hiệu lực, ngoài các thành viên là đại diện theo cơ chế 3 bên nêu trên, HĐTLQG được bổ sung thêm một số thành viên là chuyên gia độc lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn