MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân 19 được công bố khỏi bệnh ngày 27.5 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hành trình cứu sống bệnh nhân COVID-19 số 19

Thùy Linh - Lệ Hà LDO | 28/05/2020 06:23

Bệnh nhân 19 - bác của bệnh nhân 17 là người nặng nhất trong số các bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tính đến thời điểm này, cũng là bệnh nhân COVID-19 có thời gian điều trị dài ngày nhất ở nước ta. Hành trình cứu sống bệnh nhân 19, là những ngày tháng không thể nào quên đối với các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Virus SARS-CoV-2 đã âm thầm tấn công vào tim 

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cùng các đồng nghiệp của anh, đã chứng kiến hành trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân 19 ngay những ngày đầu, cho đến ngày bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. 

Bệnh nhân được chuyển vào viện ngày 7.3. 9 ngày sau khi nhập viện, nữ bệnh nhân bất ngờ xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, khó thở, sốt cao, diễn tiến bệnh nghiêm trọng, phải thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16.3. Diễn biến sức khỏe của bệnh nhân ngày một xấu hơn, bị suy thận và phải lọc máu.

Đến 18.3, tình trạng bệnh nhân lại chuyển biến nặng, hô hấp rất khó khăn, tổn thương phổi lớn. “Chỉ định dùng tim phổi nhân tạo ECMO là cách duy nhất có thể giữ mạng sống cho bệnh nhân lúc này. Chỉ cần chậm trễ, bệnh nhân có thể tử vong. Chúng tôi huy động tới 4 bác sĩ vào trong thay vì chỉ một như trước, chưa kể điều dưỡng” - bác sĩ Khiêm nói. 

“Dù kỹ thuật này là thường quy ở viện, chúng tôi vẫn sợ không kịp để làm nên run và căng thẳng. May thay, chúng tôi chỉ mất 30 phút để thiết lập được hệ thống ECMO cho bệnh nhân 19. Thông thường phải mất hơn một tiếng để chuẩn bị” - bác sĩ Khiêm nhớ lại. 

Đúng như dự đoán, sau khi can thiệp ECMO, chỉ số sinh tồn nữ bệnh nhân ổn định hơn rõ rệt. “ECMO là kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để lấy máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp ôxy và thải carbonic, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là hệ thống hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể phức tạp. Nhờ phổi nhân tạo, phổi bệnh nhân được nghỉ ngơi nên giảm tràn khí và có tiến triển tốt lên” - bác sĩ Khiêm nói. 

Ngày 4.4, bệnh nhân đã tự thở, cai ECMO, tình trạng tốt dần lên. Tưởng chừng hành trình hồi phục của bệnh nhân sẽ êm xuôi, nào ngờ, diễn biến bất ngờ lại khiến chính các bác sĩ hoang mang. “Không biết từ lúc nào, virus SARS-CoV-2 đã âm thầm tấn công vào tim và gây nên những tổn thương cơ tim nguy hiểm cho bệnh nhân 19 mà không ai có thể lường trước được. 0h45 đêm 8.4, bệnh nhân bỗng xuất hiện rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn rồi cứ thế rơi vào mê man, bất tỉnh”, bác sĩ Khiêm khi kể lại vẫn chưa hết ngạc nhiên khi trước đó chỉ vài giây, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, xem tivi. 

40 phút ép tim liên tục

Nhờ sát sao, tình huống ngừng tim của bệnh nhân ngay lập tức được các y bác sĩ phát hiện. Trong trường hợp ngưng tuần hoàn này, nếu phát hiện muộn, kể cả được cứu sống thì bệnh nhân cũng sẽ mang nhiều di chứng ở não. Lúc đó, bác sĩ Khiêm vừa kết thúc ca trực 12 tiếng. Đang nghiên cứu tài liệu, anh nghe tiếng gọi thất thanh của đồng nghiệp trong đêm khuya. Ngay sau đó, gần như toàn bộ nhân lực của khoa Hồi sức tích cực được huy động. 

“Bệnh nhân 19 chỉ ngừng tuần hoàn một lần nhưng kéo dài 40 phút. Cấp cứu ngưng tuần hoàn trong vòng hơn 40 phút như vậy quả là rất khủng khiếp. Để thực hiện ép tim, một bác sĩ dù khoẻ mấy thì tay cũng mỏi rã rời. Nếu lỏng tay, không đúng kỹ thuật thì không có tác dụng, còn nếu ép chuẩn theo kỹ thuật cực kỳ mệt. Trong suốt 40 phút này, họ đã xác định chỉ là “còn nước còn tát”, phải xác định tâm lý cho người nhà. Thế nhưng, họ vẫn không buông tay. Bất ngờ, vào những phút cuối, tim nữ bệnh nhân hồi phục. 

Theo Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19, sáng 27.5, thêm 6 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh, trong đó có ca COVID-19 nặng là bệnh nhân (BN19). Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sáng 27.5 gồm: BN19, BN52, BN291, BN295, BN308 và BN324.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chia sẻ: “May mắn cho BN19 này là dù ngừng tuần hoàn nhưng không để lại di chứng, nhất là di chứng tổn thương thần kinh. Đây là một trong hai ca phải sử dụng ECMO, diễn biến nặng nề. Rất may có sự giám sát tuyệt vời của các bác sĩ nên đã cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời vào lúc tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn