MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cà phê hiện là cây trồng chủ lực ở tỉnh Sơn La, giúp người dân có thu nhập ổn định, xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Thanh Dần

Hành trình giảm nghèo bền vững ở vùng cao Sơn La

Anh Huy - Thanh Dần LDO | 06/11/2023 14:06

Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn.

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thu được nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 3 huyện thoát nghèo là: Mường La, Bắc Yên và Vân Hồ.

Ngoài ra, tỉ lệ hộ có điện sinh hoạt an toàn đạt 94%, tỉ lệ hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; quan trọng hơn cả là tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 17,83%, bình quân giảm trên 3%/năm. Để đạt được những kết quả này, UBND tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đa chiều, đặc biệt tập trung vào nhóm người nghèo là người dân tộc thiểu số; triển khai nhiều chương trình tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế cho người dân.

Đồng thời, phối hợp với các huyện để tổ chức hàng trăm hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, đã tuyên truyền thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho khoảng 23.000 người; tập trung vào các giải pháp khai thác thế mạnh của vùng và phát triển du lịch các địa phương một cách đồng bộ.

Tại huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) trước đây là một trong những địa phương cực kỳ khó khăn nhưng đến nay đã “lột xác” ngoạn mục. Bà Đinh Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên - chia sẻ, những năm qua, huyện đã thành lập các đoàn công tác tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Từ đó xây dựng quy hoạch vùng trồng các loại cây phù hợp.

Đặc biệt, theo bà Hà, địa phương đã hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng mua con giống, cây giống, mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Hiện địa phương đang duy trì hơn 13.700ha lúa; 2.510ha cây ăn quả các loại; trên 1.100ha cỏ phục vụ chăn nuôi và gần 5.000ha trồng cây hoa màu và cây trồng khác.

Còn tại huyện Vân Hồ, kinh tế cũng đã có nhiều thay đổi, ông Đỗ Minh Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ) chia sẻ, người dân trong xã đã và đang tổ chức thâm canh 80ha chè Shan tuyết. Năng suất bình quân của chè Shan tuyết đạt hơn 4,5 tấn chè tươi/ha.

Theo ông Thanh, ngoài cây chè, xã Chiềng Yên còn trồng các loại cây ăn quả khác như: Bưởi, cam, quýt… với sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Địa phương còn tích cực khai thác tiềm năng tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ ưu tiên đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao; ứng dụng và quản lý số hóa nhằm đạt được mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn