MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân Bình Thuận được lực lượng Cảnh sát biển ứng cứu sau khi tàu cá Bình Định vớt họ lên. Ảnh: H.L

Hành trình sinh tồn để trở về đất liền của các ngư dân

Hữu Long - Hoài Luân LDO | 25/07/2022 10:06

Từ khi tàu cá BTh 97478 bị sóng đánh chìm, trên tàu có tổng số 15 ngư dân, đến nay chỉ có 9 người may mắn còn sống. Riêng 6 người còn lại tuy đã leo lên được thuyền thúng, nhưng rồi đều đã chết vì đói, khát. Suốt hành trình sinh tồn để trở về với đất liền, các ngư dân phải chống chọi với vô số điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên biển. Đặc biệt, họ phải giằng xé nội tâm dữ dội khi phải chọn cách thả thi thể từng người thân ở lại với biển sâu... 

Hành trình trở về kỳ diệu

Ngày 24.7, tại cầu cảng thuộc Hải quân Vùng 4 (Cam Ranh, Khánh Hòa), 5 ngư dân bị cho là mất tích trên tàu BTh 97478 trước đó đã được lực lượng hải quân đưa vào bờ an toàn.

14 ngày trước đó, khi đang đánh bắt hải sản thuộc quần đảo Trường Sa, tàu BTh 97478 bị sóng lớn đánh chìm. Thời điểm này, trên tàu có 15 ngư dân chia nhau thành 2 tốp bám víu trên 2 chiếc thuyền thúng. Đến ngày 21.7, 4 thuyền viên bị nạn đã được tàu cá Bình Định 96935 TS đưa về cảng của Hải đoàn 32 - Vùng Cảnh sát biển 3 ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Riêng nhóm ngư dân còn lại (5 người còn sống), gần 12 ngày sau khi mất tích trên biển, lực lượng chức năng Việt Nam mới có thể tiếp cận giải cứu. Nhóm ngư dân này may mắn được một chiếc tàu hàng có hành trình từ Ấn Độ - Trung Quốc, vớt lên và cho ăn uống.

Thoát nạn sau 12 ngày bám thuyền thúng lênh đênh trên biển giành giật sự sống, sức khỏe cả 5 thuyền viên dần ổn định, song họ trông có vẻ mệt mỏi, tiều tụy. Trên cơ thể của các ngư dân có nhiều vết lở loét, bong tróc da do ngâm nước mặn ở biển lâu ngày.

Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn kể lại, tàu cá ông có 15 người đánh bắt hải sản, trên đường trở về thì gặp sóng lớn đánh chìm.  Là thuyền trưởng, ông Toàn phải đưa ra quyết định khó khăn nhất của cuộc đời, đó là chia mọi người thành hai nhóm, lên thuyền thúng. Một bên 7 thành viên, còn ông trên chiếc thúng có 8 người.

“Thời điểm chìm tàu xảy ra rất nhanh, anh em không ai mang theo lương thực, nước uống. Đứng trước sự lựa chọn sinh tử, tôi đã quyết định chia anh em lên 2 thuyền thúng sẽ có thêm cơ hội sống sót” - thuyền trưởng Bùi Văn Toàn kể lại.

Những ngày lênh đênh trên biển, thuyền thúng của ông Bùi Văn Toàn liên tục gặp vô vàn thử thách. Trong tình cảnh đói, khát họ đành uống nước biển để bớt khô họng. Có khi may mắn, ngư dân bốc được rong biển hoặc bất cứ thứ gì nổi trên biển để bỏ bụng…

Còn người là còn tài sản

Trải qua vô vàn thách thức nhưng quả thật, trời không phụ lòng người khi 5 thuyền viên cuối cùng đã được một tàu hàng nước ngoài vớt lên, trước khi bàn giao cho phía Việt Nam. Ngày trở về đất liền, ngư dân và người nhà đã trao cho nhau những cái ôm thắm thiết cùng những giọt nước mắt hạnh phúc.

Em Bùi Thị Mỹ Ngọc - con gái thuyền trưởng Bùi Văn Toàn - nhớ lại ngày nhận được tin về chiếc tàu cá của cha mình cùng 14 thuyền viên bị sóng đánh chìm được chia sẻ rộng rãi, mọi người trong gia đình ai cũng đối diện với cảm xúc hoảng loạn, lo lắng, bồn chồn. Sau một thời gian dài chờ đợi, đến nay gia đình Mỹ Ngọc đã vô cùng hạnh phúc khi chồng, cha mình đã còn sống quay trở về.

“Mất tàu cá, mất luôn cả bạn bè người thân, lòng chúng tôi ai cũng đau như cắt. Thế nhưng nghĩ một cách tích cực thì vẫn còn người còn sống trở về đã là may mắn. Còn người là còn tài sản, còn hy vọng” - em Mỹ Ngọc tâm sự.

Khác với tâm trạng lo lắng của nhiều người, chị Nguyễn Thị Hòa là vợ ngư dân Nguyễn Văn Mỹ tỏ ra mạnh mẽ trước tin chồng mất tích trên biển. Chị kể, một số người quyết định lập bàn thờ cho người thân nhưng riêng chị không từ bỏ hy vọng.

“Tôi luôn tin rằng chồng mình sẽ trở về. Chỉ có niềm tin mới giúp tôi mạnh mẽ chờ đợi ngày được đoàn tụ với người thân” - chị Nguyễn Thị Hòa nói.

Có thể nói trong suốt hành trình cứu 15 ngư dân Bình Thuận mất tích trên biển, Việt Nam đã huy động nhiều lực lượng tham gia khoanh vùng, tìm kiếm người gặp nạn. Bên cạnh sự may mắn của các ngư dân trong quá trình trôi dạt trên biển, không thể không nhắc tới sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, tàu cá lân cận và cả các địa phương Nam Trung Bộ.

Đại tá Lã Văn Hùng - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân - nhấn mạnh, việc hỗ trợ ngư dân gặp nạn là nhiệm vụ, là mệnh lệnh từ trái tim, do đó khi ngư dân cần, lực lượng hải quân luôn nhanh chóng có mặt để hỗ trợ.

Đồng thời, Phó Chính ủy vùng 4 Hải quân mong các ngư dân nhanh chóng ổn định sức khỏe, tiếp tục vươn khơi bám biển, cùng lực lượng Hải quân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn