MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ trâu, bò tại biên giới Campuchia chỉ để bán cho thương lái Việt Nam. Ảnh: PV

Hành trình trâu, bò lậu "vượt biên" từ Campuchia về Việt Nam

Nhóm PV LDO | 10/10/2023 13:49

Long An - Tại khu vực biên giới huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) giáp với Campuchia, tình trạng buôn lậu trâu, bò qua biên giới diễn ra có tổ chức và quy mô lớn. Qua hơn 1 tháng thâm nhập điều tra, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã làm rõ hành trình hàng trăm con trâu, bò lậu vượt sông từ Campuchia để vào Việt Nam mỗi đêm.

"Chợ" trâu, bò vùng biên giới

This browser does not support the video element.

Video: Hành trình trâu, bò lậu "vượt biên" từ Campuchia về Việt Nam

Bên kia cửa khẩu Tân Hưng - Svai À Ngoong, huyện Svay Rieng, Camphuchia (cửa khẩu Trâm Dồ, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An) có một "chợ" trâu, bò để bán cho các thương lái Việt Nam.

"Chợ" trâu, bò này được lập ra để tập kết trâu, bò từ khắp Campuchia về đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 - 1.000 con trâu, bò để cung cấp cho các thương lái Việt Nam. Trâu, bò sau khi mua xong sẽ được vận chuyển lậu về Việt Nam qua kênh Cái Cỏ, chạy dọc theo đường cặp kênh cửa khẩu Trâm Dồ (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An).

Mỗi ngày, khu "chợ" trâu, bò này tập kết từ 500 con đến cả nghìn con để bán cho các thương lái Việt Nam.

Giá trâu, bò hơi (nguyên con còn sống) mua tại đây thường từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (rẻ hơn giá mua tại Việt Nam), nên được nhiều thương lái mua về cung cấp cho các đầu mối là lò mổ, cơ sở chế biến, trại chăn nuôi... tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Việc mua bán trâu, bò tại chợ này diễn ra theo một quy trình bất thành văn, nhưng tất cả thương lái và những người có liên quan đều phải tuân thủ. Theo đó, trâu, bò được các thương lái phía Campuchia vận chuyển về chợ vào thời gian từ 12h-18h hàng ngày. Thương lái phải trả phí cho chủ khu chợ, được tính theo từng con trâu, bò nhập vào.

Những con trâu, bò mua xong sẽ được đánh ký hiệu theo từng thương lái mua, sau đó đưa vào trại riêng để chờ đến đêm khuya sẽ vượt biên qua Việt Nam.

Trong khi đó, các thương lái từ Việt Nam qua chợ gia súc này từ 16h hàng ngày để mua trâu, bò (trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40 thương lái từ Việt Nam sang thu mua). Mỗi thương lái sẽ có sở trường mua khác nhau, có thương lái chỉ chuyên mua bò thịt, có thương lái chuyên mua trâu thịt, có thương lái chuyên mua nghé... Thường thì mỗi thương lái mua từ 20 con trâu, bò mỗi ngày, số lượng mua này đủ cho một xe tải lớn để vận chuyển đi tiêu thụ.

Việc thanh toán cũng diễn ra theo quy trình "mật mã" riêng. Theo đó, thương lái chọn mua trâu, bò nào sẽ tự xịt màu sơn ký hiệu lên con đã mua. Ví dụ: thương lái T mua được 40 con trâu thịt sẽ được đánh dấu ký hiệu bằng sơn đỏ từ T1 - T40; thương lái N mua được 30 con bò thịt sẽ được đánh dấu sơn đỏ từ N1 - N30; thương lái H mua được 20 con bê, nghé sẽ được đánh dấu ký hiệu H1 - H20.... Sau đó, số trâu, bò này sẽ đưa vào trạm cân để cân, rồi chuyển đến trại riêng theo từng ký hiệu của thương lái. Đợi đến đêm khuya, số trâu bò này sẽ vượt biên qua sông vào Việt Nam, đến khi đó, thương lái mới thanh toán tiền.

Chi phí để số lượng trâu, bò này "xuất cảnh" qua Việt Nam do các thương lái bên Campuchia (bên bán) chịu. Ngược lại, chi phí để số lượng trâu, bò này "nhập cảnh" vào Việt Nam do các thương lái phía Việt Nam (bên mua) gánh.

Trâu, bò vượt sông qua biên giới

Dọc đường bờ kênh biên giới cửa khẩu Trâm Dồ có những trại trâu, bò thế này để nuôi nhốt trâu, bò nhập lậu từ Campuchia.

Thường vào 21h, trâu, bò sẽ được các thương lái phía Campuchia (bên bán) thuê người đưa đến đường bờ sông Cái Cỏ; chờ đến 22h mới bắt đầu cho trâu, bò vượt sông. Khi "vượt biên" thì cả người và trâu, bò cùng bơi qua sông để sang biên giới Việt Nam.

Dọc theo đường bờ sông biên giới cửa khẩu Trâm Dồ sẽ có những điểm tập kết trâu, bò để tiếp nhận từ phía Campuchia sang. Việc lập các điểm tập kết dọc theo đường biên giới này là có tổ chức, bên phía Campuchia chỉ được đưa trâu, bò vượt biên qua sông tại những đoạn có điểm tập kết, không được đưa qua sông những đoạn khác.

Mặt khác, việc vận chuyển trâu, bò lậu chỉ được diễn ra từ 22h hôm trước đến 2h sáng hôm sau, tùy theo số lượng nhiều hay ít. Vào thời điểm này, bất kỳ ai không có liên quan đến việc tổ chức cho trâu, bò vượt biên, thì không được xuất hiện tại những điểm đã được chỉ định làm nơi tập kết .

Sau khi trâu, bò vượt sông qua biên giới Việt Nam vào các điểm tập kết, các xe tải sẽ vận chuyển đi ngay trong đêm, hoặc chậm nhất là sáng sớm hôm sau phải được chuyển đi hết.

Trâu, bò vượt sông biên giới từ 22h sẽ được đưa lên đường biên giới để vào các điểm tập kết.

Đích đến của số trâu, bò lậu này là các lò giết mổ, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, lò làm bê thui hoặc trang trại chăn nuôi. Các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tuy Hòa, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội... là điểm đến chủ yếu của số lượng trâu, bò nhập lậu này.

Điều đáng nói, những xe vận chuyển số trâu, bò nhập lậu này vẫn được cấp "Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh". Nhờ có "tấm bùa hộ mệnh" này, các xe vận chuyển trâu, bò lậu cứ thế thẳng tiến đi khắp nơi.

Một trong những điểm tập kết trâu bò lậu nằm dọc đường bờ sông gần cửa khẩu Trâm Dồ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn