MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không chỉ dùng chân viết chữ mà chị Huỳnh Thị Xậm (Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu Giang) còn vẽ tranh bằng chân. Ảnh: Phương Anh

Hành trình vượt lên số phận của người phụ nữ vẽ tranh bằng chân

PHƯƠNG ANH LDO | 05/10/2023 16:00

Việc vẽ tranh vốn đã không dễ dàng với người những người bình thường, đối với người khiếm khuyết thì còn tăng lên gấp bội. Vậy mà chị Huỳnh Thị Xậm (46 tuổi) ở xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) lại vẽ nên những tác phẩm rất sinh động bằng bàn chân không lành lặn của mình.

Vượt lên số phận

Chị Huỳnh Thị Xậm ở xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) sinh ra với đôi tay và đôi chân không lành lặn như những người bình thường khác.

Chị Xậm cho biết: Tay không thể cầm nắm vật nặng, chân không đứng được, muốn di chuyển phải bò lết, nhưng vì thương mẹ, chị cố gắng dùng chân kẹp chổi để quét nhà, xếp củi hay đuổi gà,..

Khi đến tuổi đi học, chị Xậm rất muốn được đến trường. Nhưng nhà ở vùng nông thôn sâu, xa trường học nên đến 15 tuổi chị mới vào mẫu giáo. “Lúc đó đường đi không có, mẹ phải dùng xuồng chở tôi từ nhà tới trường”, chị Xậm chia sẻ thêm.

Hành trình đến với con chữ của chị Xậm cũng phải đối mặt với nhiều thử thách. Đôi tay quá yếu không thể cầm được bút, dùng miệng viết chữ lại càng khó khăn hơn. Không nản lòng, chị quyết tâm dùng 4 ngón chân của bàn chân phải cầm bút viết chữ.

Chị Xậm tâm sự: Những ngày đầu tập viết, các ngón chân sưng mỏi, đau nhức, phồng rộp mà chữ viết ra thì rất xấu. Không nản lòng, mỗi ngày cứ 3 giờ sáng là chị thức dậy luyện chữ. Sau 1 năm, bàn chân đã thuần thục ngọn bút, chữ viết cũng bắt đầu tròn trịa hơn.

Chị Huỳnh Thị Xậm (Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu Giang) đang hoàn thiện một bức tranh bằng đôi chân khiếm khuyết của mình. Ảnh: NVCC

Chị Xậm vui vẻ nói: “Ý định là học cho biết chữ, nhưng sau ham quá nên học đến hết lớp 12. Bởi bản thân đã tật nguyền nên chỉ có học mới vượt qua được mặc cảm và giúp mình có thêm nhiều kiến thức”.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Xậm theo học ở một Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, chị được học tin học văn phòng. Sau 6 tháng học tập, chị đã thành thạo nhiều thao tác cơ bản. Trước sự tiến bộ của chị, Trung tâm quyết định giữ chị lại làm việc tại thư viện để làm gương cho những học viên có cùng hoàn cảnh khác.

Một thời gian sau, chị Xậm được hỗ trợ học đại học ngành Xã hội học ở Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Sau 4 năm giảng đường, chị tốt nghiệp và công tác ở Trung tâm. Năm 2021, do sức khỏe suy giảm nên chị Xậm trở về quê nhà ở Hậu Giang sống với mẹ. Từ đó, công việc chính của chị là vẽ tranh.

Vẽ tranh bằng chân

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề vẽ tranh, chị Xậm cho biết, mặc dù thời điểm đang công tác ở Trung tâm, có công việc ổn định nhưng bản thân vẫn muốn có một nghề phù hợp thể trạng, nhất là giảm áp lực cho những ngón chân nên chị quyết định theo học lớp vẽ tranh.

“Dùng chân viết chữ đã không dễ, nay phải dùng chân vẽ những đường nét phức tạp hơn rồi đến pha trộn các màu sắc. Bên cạnh đó, ngồi dưới nền vẽ bằng chân, không có giá đỡ nên rất mỏi và mất nhiều công sức hơn những học viên khuyết tật khác. Bức tranh đầu tiên tôi vẽ phải mất đến 2 năm”, chị Xậm kể lại những ngày đầu học vẽ.

Những bức tranh của chị Huỳnh Thị Xậm vẽ đều có gam màu tươi sáng, sống động. Ảnh: Phương Anh

Chủ đề sáng tác của chị Xậm chủ yếu về phong cảnh, hình ảnh làng quê miền Tây Nam Bộ. Với một bức tranh vẽ trên giấy, chị mất 2 ngày hoàn thành, còn vẽ trên túi xách vải chừng vài giờ. Đến nay, chị đã vẽ hàng trăm bức tranh, đặc biệt bán với giá rất "mềm", chỉ hơn 200.000 đồng/bức.

Chị Nguyễn Thị Bích Tiền ở thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), một khách hàng thường mua tranh của chị Xậm cho biết: Tranh của chị Xậm vẽ rất đẹp, đường nét chi tiết như ngoài đời thật. Rất khâm phục nghị lực phi thường của chị”.

Chị Xậm tâm sự: "Mình sinh ra không được lành lặn như bao người khác nên phải cố gắng, phải biết vượt lên số phận, làm chủ cuộc đời mình. Có như vậy mới không là gánh nặng cho gia đình, xã hội”.

Trong Lễ hội Festival Áo bà ba Hậu Giang (9.2023), gian hàng vẽ tranh của chị Xậm được rất nhiều du khách đến tham quan, mua tranh. Ảnh: Phương Anh

Chính suy nghĩ tích cực và lạc quan nên các tác phẩm của chị Xậm đều có gam màu tươi sáng, sống động. Chị thổi vào tranh sự trong sáng thuần khiết, giàu tình yêu thương. Đây cũng là thông điệp mà người họa sĩ khuyết tật nhắn gửi, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải kiên cường lạc quan vượt lên số phận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn