MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đối thoại với lãnh đạo Công ty Haprosimex về việc họ bị nợ lương, nợ BHXH kéo dài dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hà Anh

Haprosimex “hứa” giải quyết dứt điểm nợ lương, nợ BHXH trong năm 2023

Hà Anh LDO | 13/03/2023 06:30

Từ ngày 2.3, Báo Lao Động đã có loạt bài đăng tải thông tin về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (Công ty Haprosimex) nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của 488 công nhân. Do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của họ đã lớn, đặc biệt có 2 trường hợp người lao động đã mất nhiều năm, nhưng gia đình vẫn chưa được hưởng chế độ tử tuất…

Gia đình công nhân cảm ơn Báo Lao Động

Sau khi loạt bài của Báo Lao Động đăng tải, ngày 11.3, anh Phạm Văn Tuyến (xã Trung Màu, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có vợ là chị Lê Thị Ngân - nữ công nhân Công ty Haprosimex, không may mắc bệnh ung thư máu, mất năm 2012, 11 năm gia đình chưa nhận được tiền tử tuất - báo tin vui với phóng viên Báo Lao Động: BHXH huyện Gia Lâm đã chuyển 23.682.750 đồng, tiền tử tuất 1 lần và mai táng phí của chị Ngân vào tài khoản của anh.  

Anh Phạm Văn Tuyến xúc động cho biết: “11 năm trước, vợ tôi mắc trọng bệnh và qua đời khi đang mang thai cháu thứ 2 được 5 tháng, để lại cho tôi con thơ mới 3 tuổi. Lúc đó, hoàn cảnh của tôi rất khó khăn, vì phải đi vay mượn người thân để chạy chữa cho vợ.

Để có tiền làm tang cho vợ, gia đình đến trụ sở của cơ quan BHXH nộp hồ sơ nhằm được hưởng chế độ tử tuất. Tuy nhiên, phía cơ quan BHXH cho biết, do công ty chưa đóng đủ BHXH cho vợ tôi nên không thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục để chi chế độ tử tuất cho gia đình. Gia đình đã nhiều lần đi đòi quyền lợi nhưng phía lãnh đạo công ty đều lảng tránh, không thực hiện…

Vừa qua, Báo Lao Động lên tiếng nêu rõ sự việc của gia đình. Qua những bài báo đã có tác động lớn tới xã hội, các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội, phía Công ty Haprosimex cũng đã nộp tiền nợ BHXH của vợ tôi, để sau 11 năm - tôi đã được nhận tiền tử tuất của vợ”.

Nếu không có Báo Lao Động lên tiếng thì không biết bao giờ, gia đình mới được nhận chế độ tử tuất - anh Tuyến nhận định. 

“Tôi xin cảm ơn Báo Lao Động vì đã luôn đồng hành với những người gặp hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi” - anh Tuyến cảm động nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, ngoài trường hợp của chị Lê Thị Ngân - đã được Công ty Haprosimex nộp tiền trả nợ BHXH, gia đình đã được nhận tiền tử tuất, thì trường hợp anh Nguyễn Đức Dương (mất vì tai nạn giao thông năm 2015) - cũng đã được công ty nộp 30.926.000 đồng tiền nợ BHXH vào BHXH huyện Gia Lâm. 

Phía cơ quan BHXH cũng đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ, trong thời gian sớm nhất, chị Nguyễn Thị Thanh - vợ anh Nguyễn Đức Dương cũng sẽ nhận được tiền tử tuất, mai táng phí của chồng là 17.261.500 đồng. 

Sau loạt bài của Báo Lao Động, ngoài 2 trường hợp gia đình người lao động đã và sẽ được nhận chế độ tử tuất của người thân, thời gian tới, có thêm 39 người lao động khác sẽ được nhận chế độ thai sản, hưu trí, bởi ngày 9.3, Công Haprosimex đã chi trả một phần khoản nợ BHXH của người lao động…

Ưu tiên giải quyết quyền lợi của người lao động

Liên quan đến quyền lợi của hàng trăm người lao động bị vi phạm, bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội - cho biết, vấn đề tại Công ty Haprosimex đã tồn tại từ rất lâu.

Năm 2019, Công đoàn ngành cũng nhận được thông tin về việc nợ lương, nợ BHXH của người lao động tại Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Ninh Hiệp, Gia Lâm) thuộc Công ty Haprosimex. Ngay sau đó, Công đoàn ngành đã báo cáo ngay với UBND TP.Hà Nội và các sở, ban, ngành.

Ngoài ra, Công đoàn ngành đã có kiến nghị doanh nghiệp nên ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động… Tuy nhiên đến nay, người lao động vẫn chưa được hưởng quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Theo bà Hồng, Hội đồng quản trị mới của công ty sau khi bán máy móc, nhà máy... sẽ sớm cân đối nguồn tài chính để ưu tiên giải quyết quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật. 

Trước đó, tại buổi làm việc với người lao động (chiều ngày 9.3), ông Trần Trọng Phúc - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Haprosimex - cho biết, tổng số nợ lương của người lao động là khoảng gần 3 tỉ đồng; sau khi trả gần 4 tỉ đồng tiền nợ BHXH thì hiện nay công ty còn nợ cơ quan BHXH hơn 10,5 tỉ đồng.

Để có nguồn tiền giải quyết chế độ BHXH, sau đó là tiền nợ lương của người lao động, ông Phúc cho biết, Hội đồng quản trị của công ty đã và đang tiến hành bán tài sản gồm đất, nhà xưởng, thiết bị… 

“Khi có nguồn tiền, công ty sẽ giải quyết dứt điểm các chế độ BHXH, lương của người lao động trong năm 2023” - ông Phúc đưa ra lời hứa.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ việc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn