MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên tiếp vụ bạo hành trẻ em xảy ra thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hậu ly hôn: "Đòn thù" đổ lên đầu những đứa trẻ

Đặng Chung LDO | 10/12/2017 10:08
Vụ bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành dã man khiến nhiều người xót thương, phẫn nộ. Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp cá biệt!

Nước mắt hậu ly hôn

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. Những đứa trẻ sinh ra trong các cuộc hôn nhân không hạnh phúc trở thành nạn nhân, bị bạo hành, ngược đãi.

Hình ảnh chằng chịt các vết tích bạo hành trên khuôn mặt, cơ thể bé trai 10 tuổi ở Hà Nội xảy ra mới đây khiến ai cũng xót xa, phẫn nộ. Không ai có thể hiểu nổi vì sao người cha đẻ lại nhẫn tâm bạo hành dã man đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.

Trước đó, dư luận cả nước từng bàng hoàng trước nhiều vụ cha mẹ bạo hành con của mình. Bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang nghi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành bằng cách dí thanh sắt nóng vào mặt. Cô giáo dạy mầm non ở Hà Nội đánh con riêng của chồng nhập viện.

Có những vụ bạo hành đã để lại hậu quả nặng nề. Như 3 năm trước, bé gái 4 tuổi ở Bình Dương bị bạo hành đến mức chấn thương sọ não.

Gây phẫn nộ nhất là vụ bé trai 8 tuổi ở Bắc Ninh đã ra đi sau những trận "đòn thù" của cha đẻ cùng người tình.

Vì hận thù, ích kỷ, các ông bố, bà mẹ ở Việt Nam cố tình tước đi quyền được chăm sóc, được có một gia đình (dù là khuyết thiếu) của những đứa con do mình sinh ra. Đẩy chúng đi từ bi kịch này đến bi kịch khác.

 Bé 10 tuổi bị cha đẻ mẹ kế bạo hành. Ảnh: Soha

Người lớn yêu không trách nhiệm, chia tay chưa văn hóa

Theo GS-TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, không ở đâu ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em như ở Việt Nam.

Nguyên nhân của điều này là cách mà cặp đôi yêu và ly hôn. Yêu không trách nhiệm và chia tay chưa văn hóa.

 Nữ GS-TS Lê Thị Quý. Ảnh: T.G 

“Khi yêu thì thề thốt mấy núi cũng trèo, không thể sống thiếu nhau, nhưng khi chia tay thì coi nhau không khác kẻ thù. Và loại “vũ khí” mà họ thường dùng để sát thương nhau trong những trường hợp này là con cái.

Tôi từng chứng kiến cảnh người mẹ tìm cách trả thù chồng cũ bằng cách nói xấu trước mặt con mình, gieo vào đầu con những hận thù.

Ngược lại các ông bố giận vợ cũ thì tìm cách trút giận lên đầu đứa con bằng trận đòn roi. Đấy là chưa kể vợ hay chồng đi bước nữa, đứa trẻ phải chịu sự phân biệt đối xử” - GS Quý chia sẻ.

Bà cũng cho rằng, một đứa trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ suốt ngày cãi vã… là một bi kịch. Lúc này ly hôn là một giải pháp.

Có điều ly hôn là kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng không kết thúc một gia đình. Đứa trẻ vẫn cần sự chăm sóc của cả bố và mẹ. Những người lớn nên học cách yêu và chia tay văn minh, có trách nhiệm với cuộc đời của mình và những người khác. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn