MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những năm gần đây liên tục xuất hiện những vụ sạt lở đất để lại hậu quả nặng nề. Ảnh: Tân Văn

Hậu quả nặng nề do sạt lở đất ở các tỉnh vùng cao

Tân Văn LDO | 23/05/2024 18:43

Người dân tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa hết bàng hoàng khi mới đây xảy một vụ sạt lở đất cướp đi 3 mạng người trong một gia đình.

0h ngày 22.5, một lượng lớn đất đá sạt trượt, ập vào ngôi nhà ông Long Sơn Hà (thôn Phiêng Pục, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn). Sự cố đã cướp đi 3 thành viên của gia đình.

Trước khi sự việc đau lòng xảy ra, tại địa phương, thời tiết nắng mưa diễn ra đan xen. Đêm xảy ra sự cố, trời hoàn toàn tạnh ráo. Theo ông Long Sơn Hà, xung quanh ngôi nhà và ngọn đồi phía sau không có dấu hiệu của sạt lở, sự cố xảy ra khiến gia đình rất bàng hoàng.

Hiện trường vụ sạt lở khiến 3 người tử vong ở tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thu Trang

Ông Nông Quang Nhất - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - cho hay: “Tới đây, địa phương sẽ yêu cầu các huyện, xã tiếp tục rà soát lại toàn bộ các điểm có nguy cơ cao sạt trượt, ảnh hưởng của mưa lũ như các điểm sông suối… báo cáo về UBND tỉnh, từ đó tỉnh sẽ có phương án, kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn”.

Tại Cao Bằng, sau những ngày mưa nắng đan xen, rất nhiều điểm sạt lở nhỏ đã xảy ra. Khảo sát nhanh trên tuyến Quốc lộ 34 (đoạn qua huyện Nguyên Bình), có gần 10 điểm sạt lở lớn nhỏ.

Có những vị trí lượng đất đá tràn xuống, lấp cả nửa bề mặt đường. Theo người dân sống dọc tuyến quốc lộ, các điểm sạt lở xảy ra lẻ tẻ, thường diễn ra vào ban đêm nên rất nguy hiểm.

Gần đây nhất, trong hai ngày 15-16.5, mưa lớn diện rộng đã khiến 1 ngôi nhà tại huyện Nguyên Bình bị sập, đổ hoàn toàn, nhiều nhà bị đất đá sạt lở tràn vào nhà dân... Trên 81 ha hoa màu và một số máy móc, đồ dùng phục vụ sản xuất, sinh hoạt hằng ngày bị vùi lấp, cuốn trôi. Một số gia súc bị chết, 1.200m2 ao nuôi cá bị nước ngập tràn bờ.

Chỉ tính riêng trên đoạn tuyến Quốc lộ 34 qua huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), gần 10 điểm sạt lở đã xảy ra. Ảnh: Tân Văn

Hiện tượng sạt lở đất đá ở mỗi khu vực có những đặc thù và nguyên nhân khác nhau, nhìn chung là do mưa lớn kết hợp với điều kiện địa hình và tự nhiên của địa phương.

Tại Cao Bằng và Bắc Kạn, 2 địa phường đều có địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh nên hằng năm, trên địa bàn có hàng trăm vị trí có nguy cơ cao về sạt lở.

Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, các địa phương này chưa thể di dời, khắc phục hết được hàng nghìn hộ gia đình trong diện bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất đá và thiệt hại, đã có nhiều giải pháp được triển khai, như tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, tiến hành khảo sát địa chất, lập bản đồ các khu vực dễ bị sạt lở đất và thực hiện các quy định về quy hoạch sử dụng đất để kiểm soát việc xây dựng ở các khu vực có nguy cơ cao. Ngoài ra, việc thúc đẩy trồng rừng, tái trồng rừng và kiểm soát xói mòn đất cũng là các giải pháp quan trọng đã được triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn