MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành đường sắt đang tập trung khắc phục sự cố sạt lở. Ảnh: Hữu Long

Hé lộ nguyên nhân sạt lở trong hầm đường sắt qua Đèo Cả

Hữu Long - Hoài Luân LDO | 14/04/2024 10:00

Khánh Hòa - Hiện nay, cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió. Cùng với việc khắc phục sự cố, ngành đường sắt cũng hỗ trợ hành khách chuyển tải.

Sáng 14.4, Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh vẫn đang huy động hơn 200 công nhân cùng nhiều phương tiện, máy móc khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió thuộc khu vực Đèo Cả nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Sạt lở do thời gian hầm sử dụng hơn 90 năm

Trước đó vào ngày 12.4, xảy ra đợt sạt lở đầu tiên với khối lượng khoảng 180m3. Sau đó, cơ quan chức năng đã nạo vét thông hầm.

Tuy nhiên đến rạng sáng 13.4, một lượng đất đá với khối lượng khoảng 50m3 lại đổ ập xuống hầm. Việc sạt lở khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam bị gián đoạn. Ngành đường sắt đã tổ chức đón khách bằng xe 45 chỗ ngồi qua đoạn sạt lở để tiếp tục hành trình.

Khu vực sạt lở trong hầm Bãi Gió. Ảnh: Hữu Long

Hiện nay, vị trí sạt lở nằm phía dưới Quốc lộ 1 đoạn đi qua Đèo Cả. Trước mắt, ngành đường sắt đã làm việc với lực lượng Cảnh sát giao thông 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cấm tất cả các phương tiện xe tải đi trên đường Đèo Cả. Mục đích của việc cấm nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm.

Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh xác nhận, đến nay, đơn vị đã tiến hành nhiều lần làm khung thép để gia cố vỏ hầm. Tuy nhiên, vì địa chất khu vực này phức tạp nên việc gia cố gặp vô vàn khó khăn, sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra.

“Mặc dù ngành đường sắt đã huy động tối đa nhân lực, vật lực và tất cả những cái gì cứu chữa được nhưng quả thực đến thời điểm này rất khó khăn. Thời gian để dự kiến thông đường là chưa thể nói trước được” – ông Lê Quang Vinh nói tại hiện trường.

Hiện nay, ngành đường sắt đã tổ chức gia cố bằng khung thép, sau đó phun bêtông tại một số vị trí có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Hữu Long

Vẫn theo lời ông Lê Quang Vinh, trước đó, ngành đường sắt có tổ chức thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. Tuy nhiên, việc thi công không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở.

Trong khi đó, khu vực hầm Bãi Gió được xây dựng cách đây khoảng 90 năm. Các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi sạt xuống phía dưới đường ray.

Hành khách được trung chuyển bằng xe 45 chỗ ngồi từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (Khánh Hòa). Ảnh: Hữu Long

Hàng chục đoàn khách đã được trung chuyển

Tại ga Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) việc chuyển tải hành khách từ ga Tuy Hòa vào được tiến hành khẩn trương nhờ sự giúp đỡ của nhân viên ngành đường sắt và lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân địa phương.

Tuy nhiên nhiều hành khách tỏ ra khá mệt mỏi vì phải di chuyển mất rất nhiều thời gian và lại phải mang theo hành lý. Nhưng hầu hết đều thông cảm với sự cố mới xảy ra.

Ông Nguyễn Xuân Đài (Thanh Hóa) đến Tuy Hòa lúc 11h30 sáng 13.4 rồi được chuyển tải vào ga Giã. Ông Đài thừa nhận có mệt mỏi vì di chuyển nhiều lần. Tuy nhiên, việc sạt lở hầm đường sắt là sự cố thiên tai, không ai mong muốn nên du khách ai cũng chia sẻ khó khăn với ngành đường sắt.

Hành khách được ngành đường sắt trung chuyển bằng ôtô từ ga Tuy Hòa đến ga Giã để tiếp tục hành trình vào Nam. Ảnh: Hữu Long

Được biết, trong ngày 13.4, Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã trung chuyển được 12 đoàn, ước là 3.695 lượt hành khách. Huy động lực lượng chức năng 2 đầu ở khu vực ga Tuy Hòa và ga Giã để chuyển hành khách. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuyển tải được đảm bảo an toàn, không có hành khách phải ở lại…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn