MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi có các biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế và tuyệt đối không tự truyền dịch tại nhà. Ảnh: Khánh Linh

Hệ lụy khôn lường khi tự truyền dịch điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Khánh Linh LDO | 29/09/2023 08:54

Chỉ trong 1 tuần, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm hơn 2.400 người mắc sốt xuất huyết và 95 ổ dịch, cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Chuyên gia cảnh báo những hệ lụy từ việc tự điều trị và truyền dịch tại nhà.

Các chuyên gia cảnh báo, hiện nay đã có rất nhiều trường hợp sốt xuất huyết trở nặng do người dân chủ quan, tự điều trị, truyền dịch tại nhà

Việc tự ý truyền dịch tại nhà để điều trị sốt xuất huyết được cho là vô cùng nguy hiểm. Bởi khi xảy ra sốc phản vệ, ở nhà không có điều kiện, thiết bị và kiến thức cấp cứu sẽ rất nguy hiểm. Chưa kể, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được chỉ định truyền dịch.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thực tế đã có một số trường hợp nặng lên do xử trí không đúng cách. Khi được đưa đến viện thì có biểu hiện sốc hoặc suy đa tạng. Mà khi đã xảy ra sốc thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và tỉ lệ tử vong cao.

Thực tế theo đặc tính của bệnh, từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 là giai đoạn sốt và từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm. Khi có các dấu hiệu cảnh báo sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.

Về mặt sinh bệnh học, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý, bệnh sốt xuất huyết thường có 2 cơ chế. Một là hiện tượng giảm tiểu cầu dẫn đến chảy máu.

Ngoài ra, cơ chế nguy hiểm mà rất nhiều người thường bỏ qua mà không phát hiện ra là hiện tượng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, dẫn đến cô đọng máu, tụt huyết áp và đi vào sốc.

“Đáng nói, hai cơ chế này thường không đi đôi với nhau. Một số trường hợp có thể đi vào sốc mặc dù tiểu cầu chưa hạ. Thường thì chúng ta chỉ quan tâm đến việc tiểu cầu hạ, thế nhưng cơ chế thoát huyết tương và gây sốc mới nguy hiểm, gây khó khăn trong việc cứu chữa” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, năm nay là một trong những năm bệnh sốt xuất huyết đến khá sớm và hiện tại số ca mắc đã chạm đỉnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán, trong khoảng tháng 10, tháng 11, số lượng bệnh nhân còn tăng cao hơn nữa. Tính đến nay đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Trong khi đó theo nhận định của CDC Hà Nội, với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Chỉ riêng trong tuần qua (từ ngày 15 - 22.9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.404 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Cũng trong tuần, Hà Nội ghi nhận 95 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã.

Như vậy tại Hà Nội hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Hữu Bằng và Phùng Xá (huyện Thạch Thất), xã Cao Viên - huyện Thanh Oai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn