MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vùng tâm chấn động đất Kon Tum vẫn còn rất ít được tuyên truyền, hướng dẫn ứng phó với động đất. Ảnh: Thanh Tuấn

Hệ luỵ từ động đất

An Thượng LDO | 25/08/2022 06:51

Vùng núi Quảng Nam - nơi từng là tâm chấn động đất do thủy điện Sông Tranh 2 gây ra đã xảy ra sự bất thường của thiên tai. Từ mùa mưa năm 2017 đến nay, liên tục xảy ra sạt lở núi, vùi lấp cả làng, gây thảm họa chết nhiều người... Vì vậy, cần có khảo sát, nghiên cứu để sớm cảnh báo cho các địa phương có thực trạng tương tự ở Kon Tum, Quảng Ngãi... khu vực gần tâm chấn động đất ở Kon Tum hiện nay.

Động đất ở Kon Tum là bất thường!

Động đất ở Kon Tum cũng được Viện Vật lý địa cầu nhận định là động đất kích thích, do tích nước hồ thủy điện Kon Tum Thượng, tương tự như ở Quảng Nam khi tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, trong suốt 8 năm (từ 2011 đến 2018), động đất xảy ra ở Quảng Nam cũng chỉ có 70 trận, tập trung nhiều vào năm 2012, 2013. Nhưng tại Kon Tum, kể từ khi tích nước thủy điện đầu năm 2021 thì đến nay đã gây ra 180 trận động đất lớn nhỏ. Trong đó riêng năm 2021, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 169 trận động đất lớn hơn 2,5 độ. Cao điểm, từ ngày 15.4 đến 18.4.2021 có đến 22 trận, lớn nhất 4,5 độ.

Từ tháng 4.2021, Viện trưởng Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh đã nhận định động đất ở Kon Tum xảy ra dày đặc, là con số tăng báo động vì trong gần 120 năm trước thời điểm này, khu vực Kon Plông chỉ ghi nhận 33 trận động đất, trong đó hai trận lớn hơn 3 độ.

Tại Quảng Nam, thủy điện Sông Tranh 2 sau khi hoàn tất xây dựng, tích nước năm 2010 (có dung tích 730 triệu m3 nước) đã gây ra 70 vụ động đất lớn nhỏ, từng làm xáo trộn đời sông người dân ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, huyện Tiên Phước và cả các huyện vùng hạ du như Hiệp Đức, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc... Động đất đã liên tiếp xảy ra từ năm 2011 đến 2018 thì nhỏ dần và thưa dần. Trong đó, ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu thì trận động đất lớn nhất xảy ra năm 2012 ở Quảng Nam là 4,7 độ Richter.

Sau nhiều khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận động đất tại khu vực gần Thủy điện Sông Tranh 2 là động đất kích thích, xảy ra do tác động của hồ chứa thủy điện tích nước, tạo áp lực lên các đứt gãy vỏ bề mặt trái đất...

Hệ lụy nặng nề

Nhận định của các chuyên gia, nhà chuyên môn tại Viện Vật lý địa cầu (Thuộc Viện hàn lâm khoa học VN), thì cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1 là chưa có khả năng gây hủy hoại công trình, chưa làm sập nhà...

Thự tế, thảm họa có thể chưa xảy ra lập tức, ngay sau các trận động đất, tuy vậy hiện tượng nứt núi đồi, gây ra sạt lở núi, trôi làng, vùi lấp nhà dân, hủy hoại công trình... đã xảy ra tại các huyện miền núi Quảng Nam kể từ năm 2017 đến nay, đã minh chứng cho hệ lụy của động đất.

Năm 2017, khi xảy ra hàng loạt vụ nứt núi, sạt lở, trôi nhà, vùi lấp dân, làm chết 13 người ở huyện Bắc Trà My, ông Trần Anh Tuấn - nguyên Chủ tịch huyện Bắc Trà My, (hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) - cho biết, hiện tượng nứt nguyên cả quả đồi, bất ngờ sụt trượt vùi lấp cả làng là chưa tiền lệ ở khu vực miền núi này. Theo ông Tuấn, hàng chục trận động đất liên tục xảy ra nhiều năm tại Trà My đã khiến đồi núi nứt sẵn, khi mưa kéo dài, đất "ngậm" đủ nước thì bứt phá, gây sạt lở, sụt trượt dữ dội.

Tiếp đó, từ năm 2018, 2019, 2020... các huyện miền núi Quảng Nam như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức... luôn xảy ra hiện tượng sạt lở núi gây lũ quét nghiêm trọng. Đặc biệt, năm 2020, 2021, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã liên tục xảy ra sạt lở núi, vùi lấp cả làng, cô lập cả xã, làm chết và mất tích hàng chục người.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, chưa có kết luận nào cho rằng các vụ sạt lở núi, vùi lấp cả làng, gây thảm họa chết nhiều người ở các huyện miền núi Quảng Nam mấy năm gần đây là do động đất. Tuy vậy, sự bất thường của thiên tai, sạt lở núi ở khu vực vốn là tâm chấn động đất cần có khảo sát, nghiên cứu để sớm cảnh báo cho các địa phương có thực trạng tương tự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn