MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hệ thống phòng dịch Marburg tại TP Hồ Chí Minh cảnh giác cao độ

NGUYỄN LY LDO | 07/04/2023 20:30
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và thủ trưởng các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.

Đứng trước số ca mắc bệnh Marburg trên thế giới gia tăng, các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho những phương án tiếp nhận bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh hoặc đi từ vùng dịch về. 

Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP Hồ Chí Minh dù là bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện nhưng ngay từ những vòng ngoài khám chữa bệnh, các bác sĩ và nhân viên y tế đã được tập huấn những triệu chứng của bệnh Marburg để phòng ngừa và sàng lọc bệnh nhân. 

  Người dân được test lấy mẫu tại khu khám sàng lọc bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Trần Châu 

Bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, sau đại dịch COVID-19 hệ thống phòng dịch của bệnh viện vẫn hoạt động cho tới ngày hôm nay. Khu vực tiếp nhận sàng lọc và xét nghiệm nhanh vẫn hoạt động nhằm đảm bảo cách ly ngay lập tức những trường hợp nghi nhiễm. 

Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến cuối, hàng ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày. Trước lưu lượng bệnh đông, việc kiểm soát dịch bệnh trong bệnh viện rất quan trọng. 

TS.BS Phùng Mạnh Thắng – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại các khoa phòng có khả năng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Marburg cấp cứu, phòng khám, bệnh nhiệt đới, đều có những cảnh báo cho nhân viên về khả năng lây nhiễm của bệnh. Đồng thời, tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng như: Yếu tố dịch tễ đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ. 

Triệu chứng lâm sàng thường thấy như: sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy,… mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác. Ngay lập tức sẽ tiến hành cách ly người bệnh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn.

“Chúng tôi cũng sẽ báo cáo ngay về phòng Kế hoạch tổng hợp, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và các khoa phòng liên quan”, TS.BS Thắng nhấn mạnh. 

Vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn, yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg.

Yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và thủ trưởng các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế tập trung giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế, từ đó phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch ở châu Phi trong vòng 21 ngày).

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với Viện Pasteur UBND TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây ra cộng đồng.

Ngoài ra, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị và phòng chống dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn