MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống giao thông qua miền Trung tan nát sau bão. Ảnh: Thanh Chung

Hệ thống quốc lộ qua miền Trung hư hại nặng sau bão lũ

THANH TUẤN- HỮU LONG LDO | 03/11/2020 14:30

Sau mưa bão, hệ thống giao thông qua miền Trung và Tây Nguyên tan nát vì ngập lụt, sạt lở. Ngoài đường Hồ Chí Minh thì QL 1A đoạn qua Phú Yên, QL 19 nối tỉnh Gia Lai với Bình Đình, đoạn qua huyện Đăk Pơ bị hư hỏng nặng. Cục Quản lý đường bộ III buộc phải ra “tối hậu thư”, yêu cầu các nhà thầu thi công phải sớm xử lý nếu không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dân khốn khổ vì Quốc lộ 19 bị hư hỏng nặng

Quốc lộ 19 là tuyến giao thông huyết mạch, hằng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại giúp Gia Lai kết nối với nhiều tỉnh miền Trung. Quốc lộ 19 đoạn qua địa phận huyện Đăk Pơ, mặt đường lồi lõm với nhiều ổ gà, ổ voi khiến giới tài xế lái xe rất ngán ngại. Anh Võ Văn Thành, một tài xế xe khách cho biết, do mặt đường sụt lún nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Khi xe chạy trên cung đường này phải “bò” qua các ổ voi với tốc độ chậm để tránh va chạm. Sau cơn bão số 9 thì mặt đường bị hư hại nặng hơn.

Ông Hồ Viết Toàn, người dân ở xã An Thành, huyện Đăk Pơ - nói: “Con đường đau khổ, nắng bụi mưa lầy khiến người dân tham gia giao thông luôn bất an, hiểm nguy rình rập. Dù sửa chữa nhiều lần nhưng mặt đường vẫn bị bong tróc. Cơ quan chức năng cần lựa chọn nhà thầu có trách nhiệm hơn để dân bớt khổ”.

Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 2.11, do xuất hiện quá nhiều vết lồi lõm, đường sống trâu, nhà thầu thi công điều động một nhóm nhân công vá víu tạm bợ, thủ công. Nhân công dùng xẻng trộn bêtông đi đắp từng ổ voi, ổ gà. Chỉ cần một trận mưa và lượt xe đi qua là “thổi” bay lớp bêtông mỏng dính.

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai - cho hay, không chỉ người dân mà UBND huyện Đăk Pơ cũng phản ánh tình trạng hư hỏng mặt đường trên Quốc lộ 19, đoạn Km90 - Km108, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai đã gửi văn bản số 115/BATGT-VP đề nghị Cục Quản lý đường bộ III chỉ đạo các nhà thầu, triển khai sửa chữa mặt đường, lắp đặt các biển cảnh báo. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến đường thường xuyên kiểm tra, kịp thời khắc phục các hư hỏng, đặc biệt sau mưa lũ.

Được biết, số vốn dành cho Dự án sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước đoạn Km50-Km51 + 152; Km90-Km108, Quốc lộ 19 trên 30 tỉ đồng. Gói thầu này do nhiều đơn vị thi công như: Cty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Trường Thành; Liên danh Công ty Đầu tư phát triển và Xây dựng công trình 208 - Công ty TNHH TV & Xây dựng Đại Minh - Cty Nhật Hảo…

Theo Cục Quản lý đường bộ III, tình trạng đường hiện đang hư hỏng rất nặng, gây bức xúc cho người dân nhưng chưa có nhà thầu nào khắc phục triệt để, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Mặc dù thời gian qua, Cục đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Vì vậy, Cục Quản lý đường bộ III yêu cầu các nhà thầu thi công tập trung máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu để sửa chữa các hư hỏng, tuyệt đối không để tiếp tục xảy ra tình trạng vừa sửa xong lại hư hỏng trở lại, gây bức xúc dư luận xã hội. Nếu để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến và tai nạn giao thông, các nhà thầu thi công hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Cục Quản lý đường bộ III và trước pháp luật.

Khẩn trương khắc phục, thông đường

Nhiều khu vực miền núi tại Quảng Nam tiếp tục xuất hiện mưa và tiềm ẩn rủi ro sạt lở đất đá. Mưa lớn kéo dài khiến nhiều huyện miền núi tại Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng như tuyến đường QL14G đoạn qua huyện Đông Giang, Trường Sơn Đông qua huyện Bắc Trà My, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Quảng Nam), Quốc lộ 19...

Báo cáo của Cục Quản lý Đường bộ 3 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mưa lũ kéo dài khiến nhiều tuyến đường do đơn vị quản lý bị sạt lở taluy dương nền đường khoảng 150 vị trí khoảng 85.000m3. Chưa hết, có nhiều vị trí đường còn bị sạt lở đất đá, xói lở, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn.

Như tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn còn nhiều đoạn sạt lở đất đá, ách tắc nhiều ngày liền. Cụ thể, tính đến chiều 28.10, tại Km1332+800 - Km1334 có 3 vị trí nước ngập mặt đường sâu khoảng 0,6m; Km1340+368 (Cầu Xơi ), nước ngập tràn toàn bộ mặt cầu cao 0,7 - 1m. Việc mặt đường ngập nước rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Duy Chiến - Phó Giám đốc Công Ty Cổ Phần Quản Lý Và Xây Dựng Đường Bộ Quảng Nam - Đà Nẵng - nhận định, hiện tại nhiều tuyến đường huyết mạch do đơn vị quản lý vẫn còn tái diễn tình trạng sạt với khối lượng đất đá rất lớn. Để đảm bảo giao thông qua lại và an toàn cho mọi người, công ty đã triển khai chặt, lắp đặt biển cách báo, cử nhân viên túc trực, hướng dân người dân tham gia giao thông an toàn. Riêng các vị trí sạt lở đất đá, hở hàm ếch ăn sâu vào mặt đường, đơn vị phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai máy múc, phá đá, đắp bờ kè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn