MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Hết đau mắt đỏ tới sốt xuất huyết, nguy cơ dịch chồng dịch hiện hữu

Thùy Linh LDO | 22/09/2023 06:38

Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết và đau mắt đỏ đều đang có xu hướng gia tăng ở Hà Nội. Đây đều là những loại bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan trong cộng đồng, dễ bùng phát thành dịch nếu người dân không có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Người lớn không thể đi làm, trẻ nhỏ phải nghỉ học vì mắc bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết được ghi nhận tại 29 quận, huyện, nhiều nhất là Phú Xuyên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 ca sốt xuất huyết, trong đó 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần, số ca tử vong tương đương.

Thêm 72 ổ dịch, nâng số ổ dịch đang hoạt động lên 258, tại 30 quận, huyện, thị xã. Ổ dịch nhiều bệnh nhân là xã Phùng Xá 439 ca và xã Hữu Bằng - đều thuộc huyện Thạch Thất - 306 ca; thôn Nguyên Hạnh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, 91 ca.

CDC Hà Nội đánh giá thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng. Kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch trong tuần vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2 đến 3 lần (theo quy định BI=20).

Trong khi đó, dịch bệnh đau mắt đỏ đang khiến cho nhiều phụ huynh lo ngại. Khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong 3 tuần đầu tháng 8, cao gấp đôi so với tháng 6.

Trong tháng 9, bước vào đầu năm học mới, số ca mắc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương - nhận định, hiện Hà Nội và một số tỉnh lân cận xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, cụ già, trẻ nhỏ.

Tương tự, một tháng trở lại đây, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng tiếp nhận hàng chục ca viêm kết mạc cấp. Trong đó, 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như trợt giác mạc (trầy xước).

Bác sĩ Lưu Quỳnh Anh - Phó Trưởng khoa Mắt - cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.

"Tôi nằm bẹp gần 10 ngày nay vì mắc sốt xuất huyết. Cả khu vực nhà tôi có nhiều người mắc phải. Mắc sốt xuất huyết mệt không thể chịu nổi, không thể làm được việc gì. Thực sự là khổ sở"- anh P.T.A (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) nói.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị, nguy cơ thành gánh nặng với cơ sở y tế

Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, số ca bệnh mắc bệnh đau mắt đỏ cũng gia tăng gây nhiều quan ngại. Lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì các dịch bệnh lây nhiễm này có thể trở thành gánh nặng cho các cơ sở y tế nếu dịch bùng phát.

Phân tích nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết tăng, các chuyên gia cho rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino trong năm 2023-2024 có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, khiến bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do muỗi truyền tăng nhanh.

Một nguyên nhân khác được CDC chỉ ra là người dân chưa hiểu đúng về cách phòng chống sốt xuất huyết. Như tại một số quận huyện, nhiều người không có ý thức vệ sinh, dọn dẹp môi trường, cảnh quan sạch sẽ. Từ đó, muỗi có thể trú ngụ và sinh sản trong các vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ, lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, xô nước không được đậy kỹ, bể chứa nước không có nắp đậy...

Một số người cho rằng, nơi nước sạch thì không có muỗi. Thực tế, muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản cao, tập tính đẻ ở nơi nước trong, sạch, ấm.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh. Các chuyên gia dự báo số ca bệnh tại Hà Nội tiếp tục tăng, theo quy luật từ tháng 6 đến tháng 11, khuyến cáo người dân có các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình.

Trong khi đó, dịch đau mắt đỏ có nguy cơ gia tăng mạnh hơn khi năm học mới bắt đầu. Trẻ nhỏ dễ bị lây nhiễm nếu trong lớp học có học sinh bị đau mắt đỏ.

Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, các chuyên gia khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các dịch bệnh đang lưu hành, nguy cơ bùng phát với số ca mắc tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn