MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Hết livestream vụ "ôm lựu đạn" đến bình gas rò rỉ: "Đã là bệnh ắt phải chữa"

Thảo Anh LDO | 14/10/2018 08:00
Điều kỳ lạ là có những vụ việc nguy hiểm như tai nạn rò gas, tội phạm cố thủ ôm lựu đạn,... vẫn có rất nhiều người dân "hồn nhiên" xông vào cấm địa để livestream, quay phim. Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng họ đang là nạn nhân của căn bệnh thời đại mạng xã hội mà không hề hay biết.

"Nạn nhân" của căn bệnh thời đại mạng xã hội

Mới đây, xuất hiện clip ghi lại hình ảnh vụ va chạm giữa xe tải chở gas với ô tô con tại Hưng Yên. Hậu quả là hàng chục bình gas đổ tràn xuống lòng đường rò rỉ, gây khói mù mịt. Đáng nói, người dân vẫn “hồn nhiên” đứng quay clip bất chấp thương vong có thể xảy ra.

Trước đó, ngày 1.10 tại Nghệ An, mặc cho cơ quan chức năng cảnh báo đối tượng nghi cầm súng và ôm lựu đạn, nhiều người cố tình xông vào “cấm địa” để livestream Facebook.

Bình luận về hiện tượng này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, phải nhìn nhận rằng, bản chất của những vụ việc xảy ra bất ngờ. Vì thế, hành vi livestream đã trở thành thói quen, phản xạ có điều kiện xảy ra trong tích tắc mà không hề suy tính thiệt hơn.

Chuyên gia Ngọc Long phân tích: Khi cố ý livestream Facebook có thể không đáng bàn tới nhưng khi đã thành phản xạ thì đó lại là câu chuyện khác. 

Nếu nhận thức được gas rò rỉ và lựu đạn thật sự nguy hiểm người ta chắc chắn sẽ không làm. Vấn đề là họ đang bị hút vào việc livestream. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất lấn át tất cả: "Cảnh sốc thế này bạn bè facebook bình luận thế nào?". 

"Sau đó, khi nghĩ lại chắc rằng họ cũng hú hồn. Phản xạ tự nhiên dễ biến thành "con nghiện" mạng xã hội. Dường như có thể gọi tên hiện tượng này là căn bệnh xã hội, căn bệnh thời đại. Mọi người đã trở thành nạn nhân trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi mà không hề hay biết" - chuyên gia Ngọc Long nói.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam bày tỏ quan điểm, đám đông xúm đông xúm đỏ để livestream cũng một phần thể hiện mình là “người đưa tin” thần tốc, cập nhật liên tục thông tin trên mạng xã hội. Càng những sự kiện sốc, nóng càng gây hứng thú, hút like và chia sẻ. Lúc đó tư duy cảm xúc hoàn toàn đánh gục tư duy logic.

"Đã là bệnh ắt phải chữa"

Trước căn bệnh "không của riêng ai" này, chuyên gia Ngọc Long kiến giải: Nghiêm túc mà nói, các nhà khoa học và bác sĩ nên nghiên cứu sự tác động của sự việc nguy hiểm vào nhận thức và trí não con người như thế nào.

Đã là bệnh ắt phải chữa, nếu không hiệu ứng lây lan sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Chuyên gia Ngọc Long cũng cho rằng cần sự vào cuộc ráo riết của truyền thông để gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh. Việc đòi hỏi chính những người "gặp đâu livestream đó" cân đo đong đếm về được mất thì rất khó vì bản chất mạng xã hội gây ra tác hại theo kiểu từ từ mưa dầm thấm lâu chứ không tức thời.

Vì thế, truyền thông cần khắc sâu những câu chuyện thể hiện hậu quả của mạng xã hội. Phải nói nhiều, nhắc đi nhắc lại làm họ không còn thấy đó là "chuyện thiên hạ" mà nhận ra mối nguy hại rất gần với mình. Có như thế mới cứu được mọi người qua căn bệnh này!

Về giải pháp trước mắt cho "căn bệnh" này, chuyên gia Ngọc Long chia sẻ bản thân mình là một người quá hiểu mạng xã hội nhưng đã từng có giai đoạn "phát sốt" vì like.

"Nếu như xem đó là một "cơn nghiện" thì phải cai. Một trong những phương cách để cai là cho bản thân cơ hội tìm niềm vui mới, cách giải trí mới. Phải tìm việc đối trọng với mạng xã hội để dứt ra, để nhen nhóm sự tập trung khác chẳng hạn" - chuyên gia Ngọc Long nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn