MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không khó để bắt gặp những hình ảnh khách hàng vô tư sử dụng bóng cười tại quán rượu, bia, karaoke hay quán bar. Ảnh: Hạnh An

Hiểm họa bóng cười, chữa lành bằng những cuộc vui mất trí nhớ

HẠNH AN LDO | 16/05/2024 14:53

Nhiều năm trở lại đây, "bóng cười" trở thành món đồ chơi trong những cuộc thâu đêm suốt sáng của một bộ phận người trẻ, một "phương thuốc chữa lành" khi họ rơi vào trạng thái áp lực, không tìm thấy lối thoát, bất chấp hiểm họa về sức khỏe.

Tìm mọi phương thuốc chữa lành

22h ngày 15.5, Hoàng Thị Điệp (sinh năm 1998, tên nhân vật đã được thay đổi) ngồi một góc tại quán rượu trên đường Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Trước mặt là một cốc rượu và một quả bóng bay đã được thổi căng. Điệp và nhiều vị khách trong quán gọi đó là "bóng cười".

Khi PV đến hỏi chuyện, người con gái này hất cằm, nói: "Thử đi, chữa lành lắm đấy". Điệp cho biết, vừa từ Quảng Ninh đến Hà Nội nghỉ ngơi, thư giãn vài ngày. Thời gian này, Điệp đã trải qua hàng loạt các biến cố trong cuộc sống.

Điệp cho biết vừa kết thúc mối tình kéo dài 3 năm do những rạn nứt khó cứu vãn trong mối quan hệ với bạn trai và cuối cùng đi đến kết thúc.

Chìm vào cơn ảo giác khiến Điệp quên đi mọi buồn phiền, áp lực. Ảnh: Hạnh An.

Không còn tình yêu, Điệp lại rơi vào áp lực công việc. Làm nhân viên kinh doanh của cửa hàng bán điện thoại, hàng tháng phải đạt chỉ tiêu doanh số được giao thì mới được tiếp tục kí hợp đồng. Song, 3 tháng liên tiếp không đạt được chỉ tiêu này, trưởng phòng yêu cầu chuyển Điệp xuống làm cộng tác viên bán hàng. Chán nản chồng chất, Điệp xin nghỉ việc.

Những lí do trên khiến Điệp bắt xe một mình từ Quảng Ninh đến Hà Nội để "xả" stress, song cách mà cô gái trẻ này chọn lại là uống rượu và hút bóng cười.

Tại quán bar này, ghi nhận của PV Lao Động cho thấy giá của một quả "bóng cười" dao động từ 80.000 - 120.000 đồng tùy thời điểm. Nhân viên sẽ không bày bán tại quầy nếu không nhận được yêu cầu từ khách hàng.

Bắt đầu từ khoảng 22h trở đi, khách ra vào tấp nập. Lúc đó trong không gian vỏn vẹn khoảng 30m2, tiếng nhạc xập xình, mùi khói thuốc lá, hơi men, cùng tiếng hò reo theo điệu nhạc, nhân viên liên tục bơm khí từ chiếc bình khí NO2 để cung cấp cho khách hàng.

Rách vết thương chưa kịp lành

Nguyễn Hoàng An (sinh năm 1997, tên nhân vật đã được thay đổi) cũng dùng "bóng cười" để "chữa lành". An cho biết, mỗi dịp cuối tuần thường đến một quán rượu quen để cân bằng cảm xúc trong cuộc sống nhiều sự áp lực.

Ngoài việc sử dụng đồ có cồn, thứ không thể thiếu trong cuộc vui của An là "bóng cười". Trung bình mỗi lần sử dụng, An thường hút khoảng 10 đến 20 quả bóng cười bắt đầu từ 22h đếm đến 4h sáng hôm sau.

"Tiếng nhạc và bóng cười giúp tôi quên đi tất cả áp lực công việc trong khoảnh khắc ấy. Dần dà, tôi càng uống nhiều rượu, hút nhiều bóng hơn. Đặc biệt, lúc quá nửa đêm, khi đã ngà ngà say và tiếng nhạc bốc hơn, tôi bắt đầu xuất hiện ảo giác" - An chia sẻ.

Thời gian gần đây, không chỉ vào mỗi dịp cuối tuần, mà ngay với ngày thường, nếu tâm trạng bất ổn hoặc lúc đã sử dụng rượu bia, An lại nhớ đến cảm giác "mất trí nhớ" do bóng cười.

Tuy nhiên, sau khi đã trải qua một buổi tối "chữa lành", ngày hôm sau đi làm, An lại nhanh chóng rơi vào trạng thái mơ hồ, mệt mỏi. Khi tỉnh táo, nhìn số tiền trên hóa đơn lên đến vài triệu đồng chỉ tính riêng chi phí dành cho "bóng cười", An lại càng chán nản hơn.

"Mỗi lần đi là mỗi lần hết vài triệu đồng, tốn hơn nửa tháng lương cho một buổi tối hút bóng cười. Chưa kể cân nặng tôi sụt giảm liên tục, tôi không cũng chán ăn. Hiện tại tôi cũng hạn chế sử dụng loại khí này" - An tâm sự.

Mới đây, Công an phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phát hiện thời gian gần đây, quán bar ngay phố Tạ Hiện có biểu hiện kinh doanh “bóng cười”, nên đã báo cáo Ban chỉ huy Công an quận chỉ đạo phối hợp với Đội cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch kiểm tra.

Tối 6.5, lực lượng Công an đã tổ chức kiểm tra quán bar trên, qua đó phát hiện, thu giữ 1 bình “khí cười” và 100 vỏ bóng cao su chưa qua sử dụng. Để phục vụ khách hàng thuận tiện, quán bar này còn để bình “khí cười” ngay tại quầy lễ tân để khi khách có nhu cầu là “bơm”.

Hiện vụ việc đã được bàn giao cho đơn vị chức năng để xử lý theo quy định pháp luật.

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của một số địa phương, đã xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng "bóng cười" có chứa khí Nitơ Oxit (N2O) tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí…

Hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái.

Theo Bộ Y tế, việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma tuý khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn