MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường tan hoang vụ hoả hoạn ở quán bar X5 (Vĩnh Phúc) do cháy nổ pháo điện. Ảnh: V.Nam

Hiểm họa cháy nổ từ sử dụng pháo điện

Việt Dũng LDO | 05/11/2020 07:46

Vụ cháy nổ ở quán bar tại tỉnh Vĩnh Phúc khiến 3 cô gái tử vong liên quan đến sử dụng pháo điện. Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề quản lý sử dụng pháo điện, một số luật sư cho rằng, hiện chưa có chế tài gì với việc quản lý, sử dụng với pháo điện; loại pháo này đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Tràn lan rao bán pháo điện

Thời gian gần đây, loại pháo điện được bán nhiều do nhu cầu sử dụng cao của người dân cho các sự kiện, đám cưới, sinh nhật... Pháo điện có hình dáng và tiếng nổ như pháo thật, đang được đăng bán công khai trên mạng xã hội, các trang kinh doanh điện tử...

Chỉ cần gõ từ mua bán pháo điện trên google đã có 9,96 triệu kết quả trong 0,63 giây với rất nhiều giới thiệu "Pháo điện giá rẻ nhất", "Pháo Bông điện đám cưới" rồi "Pháo điện pháo hoa đám cưới"... Phóng viên liên lạc với một cửa hàng trực tuyến trên mạng xã hội, qua trao đổi, người bán cho hay, pháo điện có khá nhiều loại, tương ứng với mức tiền khác nhau. Loại nhỏ, không có thiết bị điều khiển từ xa giá chỉ 50.000 đồng/chùm. Loại lớn có điều khiển cầm tay, giá từ 600.000-800.000 đồng/chùm. Cũng có loại lên tới 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng/chùm.

Theo quảng cáo của người bán hàng, loại pháo này có tiếng nổ như thật nên có nhiều người mua vì vừa thoả mãn nhu cầu đốt pháo, vừa không vi phạm pháp luật. Pháo điện mỗi chùm thường có 18 viên.

Cũng theo giới thiệu của người bán, pháo điện được phân làm hai loại: Có mùi, có khói và loại không mùi không khói. Giá của mỗi loại này chênh nhau khoảng 10.000 đồng/viên. Tuy nhiên, nếu người mua nhiều thì sẽ được giảm giá. Ngoài giá bán, người này cho hay, mỗi một loại pháo điện đều có hướng dẫn sử dụng.

Khi hỏi về xuất xứ, người bán trả lời thẳng đều có nguồn gốc từ nước ngoài, được thẩm lậu qua đường tiểu ngạch, mang vào các thị trường nội địa của Việt Nam. Cũng chính vì vậy, giá cả của các loại pháo cũng khác biệt nhau rất lớn.

Cần chế tài về buôn bán, sử dụng pháo điện

Trước việc pháo điện không bị liệt vào danh mục cấm dù có thể gây họa, luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15.4.2009 có quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Theo đó, tại Điều 5 có nêu, các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng như: Pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Có thể thấy, pháp luật cho phép sử dụng pháo điện trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Do đó việc mua bán pháo điện không bị cấm theo quy định pháp luật. Tuy vậy, những người trực tiếp đốt pháo cũng phải nhận thức được cách sử dụng các loại pháo này thế nào để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cũng cho biết, tại nghị định trên thể hiện, pháo điện dùng trong hiệu ứng sân khấu (không gây tiếng nổ) được phép sử dụng.

Song theo ông Trạch, karaoke, vũ trường, quán bar là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt phải tuân thủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo đúng quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BCA ngày 6.10.2015.

Cụ thể: Tuân thủ đúng quy định về thiết kế, nghiệm thu công trình (kết cấu tòa nhà, nội thất chống cháy, lối thoát hiểm…); Thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng cháy, đặc biệt là quản lý chặt chẽ và sử dụng an toán các chất dễ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; Trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy…

Trong vụ cháy quán bar tại Vĩnh Phúc, do đốt pháo điện khiến hoả hoạn xảy ra, 3 người tử vong, luật sư Long cho rằng, người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu người gây cháy nổ bồi thường thiệt hại tài sản nếu hai bên không tự thỏa thuận được với nhau.

Còn theo luật sư Trạch, trách nhiệm thuộc về ai phụ thuộc vào kết luận cụ thể của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây cháy như: xuất phát từ sự bất cẩn hay cố ý gây cháy, cơ sở kinh doanh dịch vụ này có tuân thủ đầy đủ quy định về PCCC hay chưa…

Nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 hoặc xử lý hình sự theo Điều 313 BLHS 2015 đối với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác.

Tuy nhiên, từ vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng từ việc đốt pháo điện, ông Trạch cho rằng, cơ quan chính quyền địa phương cần tuyên truyền phổ biến pháp luật trong quần chúng nhân dân vẫn là yếu tố cần thiết. Song song đó, các nhà làm luật cần phải xem xét xây dựng các quy định pháp luật để đièu chỉnh việc buôn bán, sử dụng pháo điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn