MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Động đất, kèm sạt lở là nguy cơ đe dọa thường trực ở miền núi Quảng Nam. Ảnh Hoàng Bin

Hiểm họa động đất tăng dần nhưng thiếu dự báo

Hoàng Bin LDO | 15/08/2024 07:00

Theo số liệu của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 2012 đến nay, tại 2 huyện Nam, Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra gần 100 trận động đất lớn nhỏ.

Ẩn họa động đất không báo trước

Riêng trong tháng 7.2024, khu vực giáp ranh với tỉnh Kon Tum ghi nhận có 4 trận động đất, vị trí tâm chấn đều nằm ở khu vực hồ chứa thượng nguồn thủy điện Sông Tranh 2, thuộc địa phận 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My.

Khu vực hồ chứa thượng nguồn thủy điện sông Tranh 2 thường xảy ra nhiều trận động đất. Ảnh Hoàng Bin

Nhiều người dân ở gần khu vực tâm chấn đã nghe tiếng nổ lớn và nhà cửa rung lắc mạnh, có ít nhất 3 nhà dân tại thị trấn Trà My bị nứt tường nhà… Trước đó, động đất liên tiếp tại Kon Plong, Kon Tum cũng đã khiến cả Quảng Nam rung chuyển.

Ông Hồ Văn Giáp, người dân xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My cho biết, trưa 28.7, cả gia đình đang nghỉ ngơi thì bị đánh thức bởi âm thanh lớn, sàn nhà rung chuyển dữ dội. Năm nay, động đất tăng bất thường với số lượng dày đặc hơn, khiến người dân sống trong thấp thỏm, bất an.

This browser does not support the video element.

Clip người dân Quảng Nam hốt hoảng tháo chạy khi gặp động đất trưa 28.7. Nguồn: Tổng hợp

Trao đổi với PV Lao động, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện rất lo lắng trước tình hình động đất phức tạp gần đây, nhưng ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân những biện pháp ứng phó khẩn cấp như: chạy ra khỏi nhà, hoặc nằm sát xuống đất khi có động đất, thì địa phương bất lực trong việc dự báo.

“Chúng tôi cũng muốn đề nghị các cơ quan khoa học nghiên cứu, bằng cách nào đó dự báo trước động đất để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân. Chứ hiện nay, chủ yếu vẫn là xảy ra rồi mới ứng phó” – ông Dũng nói.

Kiểm tra các dấu hiệu bất thường

Tỉnh Quảng Nam hiện có 29/40 công trình thủy điện có trong quy hoạch đã vận hành phát điện, tổng công suất thiết kế khoảng 1.574 MW, điện lượng trung bình năm theo thiết kế khoảng 5,5 tỉ kWh.

Năm 2023, thủy điện đóng góp 1.179 tỉ đồng cho ngân sách của tỉnh, là nguồn ngân sách lớn chỉ sau ngành công nghiệp ô tô, du lịch.

Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, xử lý các dấu hiệu bất thường của hồ chứa thủy điện (nếu có). Ảnh Hoàng Bin

Bên cạnh lợi ích kinh tế và điều tiết nước, phục vụ nông nghiệp thì hàng chục hồ chứa nước, chủ yếu nằm ở địa bàn miền núi cũng mang đến nỗi lo động đất, kèm theo sạt lở núi, đe dọa hàng nghìn hộ dân.

Sau loạt dư chấn từ động đất ở Kon Tum, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để triển khai ngay biện pháp xử lý.

Ngoài ra, tỉnh sẽ dừng ở các dự án thuỷ điện đã có trong quy hoạch và không phát triển thêm nữa. Quảng Nam giữ vững nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

Theo Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định, 82 trận động đất xảy ra trong tháng 7.2024 ở Kon Plong, là động đất kích thích, do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn, so với quy luật tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn