MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty công viên cây xanh cắt, tỉa cây xanh trước mùa mưa bão. Ảnh: P.V

Hiểm họa từ cây xanh gãy, đổ gây tai nạn trong mùa mưa bão năm nay

Quang Hiệu LDO | 13/06/2019 10:05
Tình trạng cây xanh gãy, đổ trên địa bàn TP.Hà Nội khi mưa bão đến luôn là mối hiểm họa thường trực cho người tham gia giao thông. Trước tình trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đang khẩn trương chỉ đạo, tổ chức cắt tỉa cây xanh trên địa bàn thành phố trước mùa mưa bão năm 2019.

 Đã cắt tỉa, gia cố 12.491 cây/28.448 cây

Theo Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, việc cắt tỉa cành sâu, mục, hạ độ cao cây xanh trên địa bàn thành phố được đơn vị tiến hành thường xuyên, nhất là khi mùa mưa bão về... Trong đó, tập trung cắt sửa cây có đường kính và chiều cao lớn, với phương thức là hạ thấp độ cao với cây có chiều cao lớn, cây nặng tán, cây mọc lệch tán thì cắt tỉa. Đặc biệt là sớm phát hiện cành cây khô vì đây là mối nguy hiểm bất ngờ, nhất là khi có mưa gió lớn.

Để chủ động đối phó với cây đổ dịp mưa bão, phương châm vẫn là chủ động phòng chống, hạ tán; sớm phát hiện cây sâu mục để chặt hạ. Cty Công viên cây xanh khẳng định, khi mưa bão về  sẽ ưu tiên giải quyết ngay các cây đổ trong tình trạng gây nguy hiểm, đe dọa đến tài sản, tính mạng con người; giải tỏa các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, đảm bảo chậm nhất sau 8 giờ phải thông đường; sau 5 ngày kể từ khi có bão gây đổ cây, phải hoàn thành toàn bộ các khâu: Cắt cành, dọn lá, cắt thân cây, đánh gốc, vệ sinh san lấp để trồng cây thay thế. 

"Hiện Cty đã cắt tỉa, gia cố 12.491 cây/28.448 cây, đạt 43,9% kế hoạch. Cty đang tiếp tục cắt tỉa 13.592 cây tại 125 tuyến phố trên địa bàn 12 quận, kết hợp điều chỉnh, định hướng tán giúp cây sinh trưởng cân đối, bảo đảm cảnh quan, mỹ quan đô thị" - lãnh đạo Cty Công viên cây xanh cho biết.

Đề xuất mua bảo hiểm cho cây xanh

Mặc dù đã thường xuyên kiểm tra, chặt tỉa, nhưng việc cây đổ trong mùa mưa bão khó tránh khỏi, nhất là mưa lâu ngày, kèm theo gió lớn, cây rất dễ bị giật đổ.

Theo các chuyên gia, khi mưa lớn, đất nền yếu, gần đây lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật cây rất dễ đổ. Ngoài ra, hiện tượng cây nghiêng làm tán mất cân bằng cũng tạo áp lực dễ đổ. Và đó là những nguyên nhân thường trực những tác động của cây xanh và đã có thiệt hại về người, tài sản. Tuy nhiên, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề này lại chưa được đề cập.

Lãnh đạo Cty Công viên cây xanh cho biết, theo quy định hiện nay, chủ sở hữu cây xanh trên địa bàn là UBND TP.Hà Nội. Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước về hệ thống cây xanh; Ban duy tu quản lý các công trình hạ tầng đô thị lại là đại diện chủ đầu tư để quản lý và giám sát tác động lên hệ thống cây xanh; Cty Công viên cây xanh và một số đơn vị được giao quản lý cây xanh theo từng khu vực và địa điểm cụ thể. Cho đến thời điểm này, chưa có một quy định cụ thể nào về trách nhiệm của Cty Công viên cây xanh đối với những trường hợp cây đổ, cành gẫy do bất khả kháng và thiên tai đối với người và phương tiện lưu thông trên đường phố.

"Những trường hợp bị cây xanh đổ gây thiệt hại vẫn được coi là những trường hợp không may, thiệt hại do thiên tai. Đơn vị đã kiến nghị với thành phố cho phép Cty mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết hỗ trợ những trường hợp mà nguyên nhân do khách quan, thiên tai gây ra" - vị này thông tin.

Phải xử lý cây nguy hiểm ngay khi người dân yêu cầu 

Đó là thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội. Theo đó, để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, giảm thiệt hại nguy cơ gãy, đổ từ hệ thống cây xanh, Sở giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị để rà soát cây bóng mát gây nguy hiểm, thực hiện cắt tỉa cây và gia cố cọc chống đối với cây mới trồng; đôn đốc UBND các quận, các đơn vị được giao thực hiện tổ chức khảo sát, rà soát các cây nguy hiểm, sâu mục, nặng tán để xử lý kịp thời và tăng cường gia cố chằng, chống cây tại các vị trí có hệ thống cây xanh giữa 2 khối nhà chung cư...

Lãnh đạo Cty chịu trách nhiệm nếu cây nguy hiểm không được xử lý kịp thời theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân... Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư các Khu đô thị trên địa bàn TP tăng cường công tác chằng chống, khắc phục lại các cọc bị hỏng, mục để cây trồng không bị nghiêng ngả, đổ khi có gió lớn, đồng thời, hạn chế cây đổ trong mùa mưa bão.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn