MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiểm họa từ thả rông bò đi trên đường gây tai nạn giao thông

DUY TUẤN LDO | 07/11/2023 16:58

Bình Thuận - Thời gian qua, Bình Thuận xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến không có người chăn dắt, trông coi dẫn đến đi rông trên đường gây tai nạn giao thông, trong đó có cả tai nạn giao thông chết người.

Tình trạng thả rông gia súc đặc biệt là bò đi trên đường giao thông, diễn ra phổ biến, không chỉ ở các vùng thôn quê mà còn xảy ra ngay tại thành phố Phan Thiết ở Bình Thuận. Từng có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến bò gây thiệt hại tài sản và cả tính mạng của người điều khiển phương tiện.

Vụ tai nạn xe ôtô và bò ở TP Phan Thiết hồi tháng 9.2023. Ảnh: Duy Tuấn

Mới đây nhất, vào ngày 11.10.2023, tại Km 54 Quốc lộ 55, qua xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận xảy ra vụ tai nạn chết người do tông vào bò.

Xe máy BKS 79H2 - 567.89 do T.H.N (sinh năm 2004, ngụ tỉnh Khánh Hòa) điều khiển lưu thông trên đường thì tông trúng 1 con bò phía trước cùng chiều. Cú tông làm N tử vong tại bệnh viện.

Hiện trường vụ tai nạn ở xã Thắng Hải. Ảnh: Phạm Duy
Con bò trong vụ tai nạn. Ảnh: Phạm Duy

Trước đó, vào ngày 9.9.2023, trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP Phan Thiết xảy ra tai nạn giữa xe ôtô và 3 con bò thả rông trên đường.

Cú tông làm chết 3 con bò, đầu xe ôtô bể nát. Cảnh sát giao thông đến khám nghiệm hiện trường, sau đó, xe cẩu đưa 3 con bò bị tông chết về trụ sở Công an phường để chờ chủ bò liên hệ giải quyết.

Xe ôtô bể nát phần đầu sau cú tông 3 con bò. Ảnh: Duy Tuấn

Đây mới là 2 vụ tai nạn giao thông gần nhất liên quan đến bò. Thực tế khi tai nạn xảy ra, nhiều chủ bò không dám đến nhận bò của mình.

Không có chủ bò đến hiện trường, xe cẩu cẩu các con bò về trụ sở công an phường chờ thông báo tìm chủ bò để giải quyết. Ảnh: Duy Tuấn

Theo luật sư Nguyễn Độ, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người chăn nuôi không được phép thả rông súc vật trên đường bộ. Còn Điều 34 của luật này qui định không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới; trường hợp cần đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn.

Trên cơ sở đó, pháp luật cũng có qui định xử phạt đối với người chủ khi vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn. Cụ thể, các hành vi như dẫn súc vật đi không đúng phần đường qui định.

Còn điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng qui định các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; hoặc người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật…

Còn nếu súc vật bị thả rông hoặc bị dẫn trên đường đi gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người thì chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vô ý làm chết người" do vi phạm quy tắc hành chính, qui định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt từ 1 đến 12 năm tù.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp xảy ra tai nạn nhưng không có người nào nhận là chủ của vật nuôi gây tai nạn, né tránh không nhận trách nhiệm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nạn nhân cũng như gây khó cho quá trình xác minh, xử lý tai nạn của cơ quan chức năng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn