MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quyền lợi của công nhân, người lao động từ các chính sách, chế độ sẽ bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa: Hương Giang

Hiến kế 3 giải pháp xử lý doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội

Thùy Linh - Ngô Cường LDO | 03/11/2023 14:04

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, đẩy người lao động vào tình cảnh chơi vơi, không biết bấu víu vào đâu. Giải pháp nào để giải quyết tình trạng này là mối quan tâm của nhiều người lao động.

Thực trạng đã diễn ra từ lâu

Bảo hiểm xã hội được coi là "tấm khiên" vững chắc bảo vệ, hỗ trợ người lao động khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không làm việc, lúc già cả để duy trì, ổn định cuộc sống của họ và gia đình họ.

Thế nhưng, thời gian qua, không ít doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, đẩy người lao động vào tình cảnh chơi vơi, không biết bấu víu vào đâu.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang nhận được nhiều quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là những người lao động hàng ngày hàng giờ đang trông chờ các chính sách thiết thực đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội thì tình hình trốn đóng, chậm đóng hoặc đóng không đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động là thực trạng đã diễn ra từ lâu.

Trên thực tế, nhiều người sử dụng lao động khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, nhưng lại không đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Do đó, trong nhiều trường hợp, người lao động lẽ ra được hưởng bảo hiểm xã hội ốm đau, thai sản, tai nạn lao động (chế độ ngắn hạn) thì lại không được hưởng vì lý do thời gian đó họ chưa đóng bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân chính là do người sử dụng lao động họ chưa thực hiện đóng.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đưa ra 3 giải pháp để hạn chế tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Cần áp dụng đồng bộ các giải pháp

Để giải quyết vấn đề này, theo Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thu bảo hiểm xã hội. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan Bảo hiểm xã hội, có trách nhiệm thanh tra thu, kiểm tra và đôn đốc. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ theo dõi được các biến động về lao động, tiến độ đóng của người sử dụng lao động để họ có trách nhiệm

Thứ hai, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, thanh tra lao động cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Thứ ba, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, chính người lao động cũng cần có những biện pháp tự bảo vệ mình. Hiện nay, hệ thống thông tin về bảo hiểm xã hội được đầu tư rất lớn và tương đối hiện đại.

"Qua việc tra cứu trên hệ thống, người lao động có thể biết được việc tham gia bảo hiểm xã hội của mình đang được diễn ra như thế nào, có thể giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động" - ông Nghĩa nói.

Khi nhận thấy có việc chậm đóng, người lao động cần phải có ý kiến ngay đối với người sử dụng lao động, thông qua tổ chức đại diện của mình là tổ chức Công đoàn. Để từ đó, Công đoàn sẽ có ý kiến mạnh mẽ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Tiếp đó, người lao động có thể có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước, để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo đại biểu, những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn sẽ thấy rằng, việc chăm lo cho người lao động chính là chăm lo cho sự phát triển của doanh nghiệp, không ai muốn thay đổi người lao động liên tục. Vì kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp rất cần để phát triển.

Vừa qua, Báo Lao Động đăng tải loạt bài phản ánh về tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí có doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, vượt cả vốn điều lệ.

Việc người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thời gian qua xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu…

Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội, khiến xã hội không thể phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn