MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân bay Nội bài. Ảnh NIA

Hiện thực hóa quy hoạch sân bay toàn quốc, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không

Hiếu Anh LDO | 08/06/2023 19:26

Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải.

Thưa ông, những điểm đáng lưu ý của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì?

- Theo Quy hoạch tổng thể đến năm 2030, số lượng cảng hàng không so với quy hoạch trước tăng 2 cảng. Đó là cảng hàng không Thành Sơn và cảng hàng không Biên Hòa (sân bay quân sự phục vụ lưỡng dụng).

Theo quy hoạch mới, 1 cảng hàng không được nâng cấp lên quốc tế. Đó là cảng hàng không Liên Khương.

Tầm nhìn đến 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không. Trong đó, hình thành cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam thủ đô Hà Nội.

Hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỉ đồng và đến năm 2050 khoảng hơn 1 triệu tỉ đồng. Nguồn vốn này sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quy hoạch lần này sẽ giải quyết các vấn đề quan trọng gì, thưa ông?

- Ở quy hoạch lần này, dự báo hàng không được kết hợp với các chuyên ngành khác. Từ đó đảm bảo kết nối đồng bộ và hiệu quả các phương thức vận tải.

Hoạch định mạng cảng hàng không hợp lý trên cơ sở các tiêu chí khách quan, khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển có tính đến sự hài hòa giữa các vùng miền; hỗ trợ hiệu quả công tác khẩn cấp, cứu trợ; kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

Quy hoạch cũng góp phần phát triển vận tải đa phương thức và các trung tâm dịch vụ logistic tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn.

Đặc biệt, các cảng hàng không đóng vai trò đầu mối; đảm bảo đến năm 2050 có khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Quy hoạch xác định các cảng hàng không quốc tế và cảng hàng không nội địa một cách hợp lý.

Quy hoạch này cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư một số cảng hàng không quan trọng, đóng vai trò đầu mối, có tính lan tỏa và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Tiêu biểu như Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành.

Huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thưa ông, để hiện thực hóa quy hoạch, trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

- Để hiện thực hóa quy hoạch này, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết với các kế hoạch thực hiện quy hoạch của các lĩnh vực khác có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực, chú trọng tính đặc thù của từng lĩnh vực, phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch 05 chuyên ngành giao thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các giải pháp bảo đảm thực hiện được các định hướng phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đối với các cảng hàng không hiện đang khai thác, Cục sẽ lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng. Tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trong kế hoạch trung hạn 2021- 2025.

Đồng thời chuẩn bị đầu tư các dự án tạo động lực để triển khai trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Đối với các càng hàng không mới, Cục sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phương án huy động vốn theo hình thức giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.

Cục cũng sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng không nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hàng không...

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách tăng cường phân cấp, phân quyền đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hàng không.

Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến phân bổ vốn đầu tư, tập trung định hướng phát triển khoa học công nghệ, môi trường; phát triển nguồn nhân lực; giám sát thực hiện quy hoạch; hoàn thiện cơ sở dữ liệu hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay…

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn