MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nữ doanh nhân bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM mời đến làm việc đã cam kết không livestream công kích người khác. Ảnh: H.I.T

Hiện tượng livestream công kích, xúc phạm người khác: Ảo tưởng bản thân hay “ngáo” quyền lực, danh tiếng?

Thế Lâm LDO | 15/06/2021 07:16

Mạng xã hội Facebook, YouTube là những nền tảng công nghệ truyền thông xã hội toàn cầu, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng gần đây, hiện tượng rộ lên là một số người livestream làm phương tiện để công kích, xúc phạm người khác.

Livestream “kể tội” nghệ sĩ, nhân vật showbiz

Những phiên livestream rầm rộ kéo theo hàng trăm nghìn người theo dõi trong một thời điểm tạo nên cao trào gây ồn ào trong dư luận bắt đầu từ trường hợp nữ doanh nhân N.P.H. Khi đó, nhiều nghệ sĩ bị công kích, tấn công, “kể tội”. Có nghệ sĩ chọn cách “im lặng là vàng”, nhưng cũng có nghệ sĩ “đáp trả” một cách khéo léo, văn minh để tránh kéo dài sự đôi co không hay ho gì trong dư luận. Song với một số nhân vật đang hoặc từng hoạt động trong giới showbiz khi bị cuốn vào đã không giấu được nỗi bực dọc vì bị oan ức, xúc phạm nên đã phản ứng lại một cách mạnh mẽ, thậm chí thách thức lại phía nữ doanh nhân.

Nữ doanh nhân bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM mời đến làm việc, và đã cam kết không livestream công kích người khác. Thế nhưng, vấn đề cũng chưa thể lắng xuống ngay khi “phía bên kia” gồm một vài nghệ sĩ lại “đăng đàn” Facebook sử dụng những lời tục tĩu, phản cảm để đấu lại nữ doanh nhân. Tất nhiên là những dòng trạng thái trên Facebook đó không nêu tên cụ thể người nào nhưng người đọc hoàn toàn có thể nhận ra là ám chỉ đến ai. Một “cuộc đấu” thậm chí nhiều lúc dùng đến những lời lẽ và thái độ như đấu tố nhau trên môi trường truyền thông xã hội khiến cơ quan quản lý ngành cao nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua có công văn đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng liên quan vào cuộc để kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng phương tiện livestream để công kích cá nhân và xúc phạm người khác.

Rất may là dư luận, chính xác hơn là công luận, đã giữ được vai trò chuẩn mực truyền thông để phê phán những tệ nạn trên của cả hai phía gồm một số streamer (trong trường hợp này là người livestream công kích, xúc phạm người khác) và các nghệ sĩ, nhân vật showbiz phản ứng lại với những phát ngôn tục tĩu và thiếu chuẩn mực.

Ảo tưởng bản thân, ngộ nhận danh tiếng

Anh Đình Bảo (biệt danh Bảo Suzu) - một influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với lượng theo dõi lớn) - cho biết, khi các nghệ sĩ bị công kích và họ bức xúc phản ứng lại, tất nhiên cũng sẽ lộ ra các sơ hở và có thể trở thành điểm yếu để kéo dài sự đôi co giữa hai bên. Đề cập đến tình trạng rộ lên các phiên livestream công kích cá nhân, xúc phạm người khác, anh Bảo cho rằng: “Nguồn cơn chính là từ sự tung hê ảo của nhiều người theo dõi. Khi được tán dương, tung hê, một số streamer ảo tưởng, ngộ nhận về danh tiếng, bản thân trở nên “ngáo quyền lực” cho nên càng dấn tới và bước qua các chuẩn mực ứng xử và hành xử trong việc sử dụng mạng xã hội”.

Đáng nói là phía những đối tượng tung hô có không ít kẻ tò mò, thích nghe và muốn biết những câu chuyện đời tư nghệ sĩ, đằng sau hậu trường nhân vật showbiz, cho nên sẽ sẵn sàng tán dương, tung hô các streamer này bất chấp những nội dung livestream có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật.

“Không ít người dùng mạng xã hội chỉ cần nắm bắt vấn đề ba chớp ba nhoáng là nhảy vào bình luận hay lan truyền thông tin không chính xác theo cách rất dễ gây tổn thương, xúc phạm người khác, đặc biệt đó là nghệ sĩ, nhân vật showbiz càng dễ bị tổn thương” - anh Bảo cho biết thêm.

Thạc sĩ Tuyết Mai - phụ trách marketing tại một doanh nghiệp công nghệ - so sánh: Trong khi một doanh nghiệp thực hiện các quảng cáo trên mạng xã hội thì bị giám sát bởi tính năng báo cáo từ người xem nếu nội dung có những vi phạm. Tuy nhiên, đối với hình thức livestream, các nền tảng mạng xã hội hiện nay dường như không có sự kiểm soát về nội dung. Thậm chí, có những nội dung livestream về một cuộc thảm sát nhưng phải đến khi người xem báo cáo xấu thì nền tảng mạng xã hội mới biết để… hậu kiểm. Thạc sĩ Tuyết Mai cho rằng đó chính là trách nhiệm của các mạng xã hội, đã để lọt những nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của họ. “Việc tổ chức những phiên livestream và có thông báo trước với người xem để phát đi các nội dung công kích, xúc phạm người khác thì đúng là hiếm thấy nhưng lại rộ lên ở Việt Nam gần đây. Đối với các nội dung như vậy cơ quan chức năng nên mạnh tay xử lý” - thạc sĩ Tuyết Mai bày tỏ.

“Tôi cũng là một người có lượng theo dõi khá lớn trên mạng xã hội, và cũng từng trải qua những giai đoạn danh tiếng ảo do được không ít người theo dõi công kênh. Nhưng tôi ý thức rằng chỉ nên sử dụng sức mạnh cộng đồng đó cho những câu chuyện vui vẻ, hoặc hướng vào công tác từ thiện xã hội có ích cho xã hội, chứ không nên để nó trở thành một thứ ảo tưởng “ngáo quyền lực” sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy cho bản thân và cộng đồng” - anh Đình Bảo tâm sự.

“Một số streamer rất dễ ngộ nhận rằng bản thân có quyền năng được phán xét người khác khi họ dễ dàng đăng tải hoặc phát sóng các nội dung trên nền tảng mạng xã hội, được nhiều người tung hô nhưng lại không bị kiểm soát trên Facebook, YouTube. Chính vì thế dẫn đến những cuộc Facebook chiến, YouTube chiến ầm ĩ như thời gian gần đây” - thạc sĩ Tuyết Mai cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn