MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Tùng.

Hiệu quả trong công tác phổ biến pháp luật ở huyện miền núi tỉnh Hoà Bình

Minh Tùng LDO | 30/09/2023 18:41

Thời gian qua, huyện Tân Lạc đã chú trọng trong việc đổi mới, đem lại hiệu quả trong công tác vận động, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tân Lạc là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, với 16 đơn vị hành chính bao gồm 15 xã và 1 thị trấn. Trên địa bàn có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 85%, dân tộc Kinh chiếm 14,5%, còn lại là các dân tộc khác.

Tân Lạc đang ngày càng đổi mới và phát triển. Ảnh: Minh Tùng.

Trong những năm qua, Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục của huyện thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đổi mới, đa dạng, sáng tạo các hình thức tuyên truyền để bảo đảm phù hợp với nhiều nhóm đối tượng.

Để linh hoạt trong công tác vận động, tuyên truyền, trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan, đơn vị, các nhóm trên mạng xã hội, internet luôn được cập nhật nhanh chóng. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã thực hiện tốt hơn các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác vận động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở huyện Tân Lạc đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện 182 cuộc tuyên truyền cho 18.388 lượt người nghe; tại các buổi tuyên truyền, đã nhân bản và phát hành miễn phí trên 4.525 bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

Nội dung pháp luật được tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2022 và 2023 có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, chủ trương, nhiệm vụ cải cách và hoạt động tư pháp, cải cách hành chính.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Tân Lạc có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 85% Ảnh: Khánh Linh

Bên cạnh đó, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, chính quyền cơ sở đã phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để dân nghe, dân tin, dân làm theo.

Hiện nay, UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt danh sách 1.276 người là người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Tân Lạc 142 người, đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân; là trung tâm khối Đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Ông Bùi Văn Trích (SN 1958 trú tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc) là một trong những người có uy tín tại địa phương, luôn đi đầu trong các phong trào của xã, đạt thành tích tốt trong công tác phòng chống tội phạm vì an ninh Tổ quốc năm 2019 và là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

Ông Trích hào hứng chia sẻ: “Rất vui và tự hào khi được bà con và lãnh đạo xã tin tưởng, bầu là người có uy tín tại địa phương.

Tôi đã và đang cố gắng để cùng chính quyền thực hiện tuyên truyền, giúp cho mọi người hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành, để không ai phải vi phạm pháp luật và giúp đời sống bà con được phát triển hơn”.

Bà Bùi Thị Mai, người dân tại xã Lỗ Sơn cho biết: Thông qua các chương trình phổ biến pháp luật, người dân đã am hiểu hơn về các quy định của Nhà nước từ đó có nhiều kiến thức để phục vụ cuộc sống”.

Ông Bùi Văn Lực, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: “Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, trong thời gian tới Phòng Dân tộc sẽ tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác dân tộc".

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ chủ động xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế để phát triển đa dạng hơn kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn huyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn