MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
1 năm về trước, mực nước sông Hồng cạn kỷ lục. Ảnh: Tô Công (chụp tháng 6 năm 2023).

Hình ảnh Sông Hồng tròn một năm sau thời điểm khô cạn trơ đáy

Tô Công LDO | 20/06/2024 14:56

Với những diễn biến thay đổi của thời tiết, thủy văn thời gian qua, mực nước sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ đã có nhiều khác biệt so với khoảng thời gian tròn 1 năm trước - thời điểm nước sông cạn kỷ lục.

Tháng 6.2023, mực nước sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Thọ cạn kỷ lục, trơ đáy ở nhiều nơi, gây khó khăn cho hoạt động vận tải trên sông, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hai bên bờ.

Không chỉ vậy, mực nước cạn nhưng chảy xiết, nhiều cồn cát xuất hiện, dòng chảy thay đổi... đã khiến không ít nơi xảy ra sạt lở. Tiêu biểu là các vụ sạt lở bờ tả tại xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao), phường Âu Cơ và Thanh Minh (thị xã Phú Thọ); sạt lở bờ hữu tại xã Hùng Việt, xã Tuy Lộc (huyện Cẩm Khê)... gây thiệt hại về tài sản và khiến Nhà nước phải đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để kè khẩn cấp.

Cùng một góc chụp đoạn sông Hồng thuộc địa phận thị xã Phú Thọ thời điểm 1 năm trước (ảnh bên trái) so với hiện tại (ảnh bên phải). Ảnh: Tô Công.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động những ngày giữa tháng 6, mực nước sông Hồng ở thời điểm hiện tại dù ở mức thấp nhưng đã không còn cạn trơ đáy như cách đây tròn 1 năm, nhiều cồn cát từng nổi lên giữa sông nay đã biến mất dưới dòng nước.

Cùng với đó, các bến đò ngang sông như đò Chí Chủ (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba nối thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê), phà Tình Cương (Thanh Hà, huyện Thanh Ba nối xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê) hoạt động bình thường, không cần thay đổi nhiều bến đỗ và phải đi vòng như cách đây 1 năm.

Một năm về trước (ảnh bên trái), bến phà Tình Cương phải làm đường ra giữa sông để đưa đón khách do nước cạn, nay nước không còn cạn, phà đò có thể dừng đỗ đúng vị trí bến. Ảnh: Tô Công.

Theo tìm hiểu, vừa qua, Thủy điện Tuyên Quang đã có hai cửa xả đáy được mở với tổng lưu lượng xả trên 3.000m3/s, khiến mực nước hạ lưu sông Lô tăng lên. Đồng nghĩa với việc, mực nước sông Hồng cũng tăng theo (sông Hồng hợp lưu với sông Lô ở Phú Thọ).

Cùng với đó, từ tháng 5 đến nay, tại các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ thường xuyên có mưa, lượng nước từ thượng nguồn đổ về cũng đã khiến sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ được "giải khát".

Mực nước sông Hồng năm nay đã không còn cạn như 1 năm về trước (địa phận huyện Tam Nông và thị xã Phú Thọ). Ảnh: Tô Công

Theo ông Trần Minh Nghiệp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê (huyện có khoảng 30km sông Hồng chảy qua), thời điểm hiện tại, mực nước trên sông Hồng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

"Thời điểm tháng 2, tháng 3 đầu năm, hạn hán và nhu cầu nước tưới cho vụ Chiêm xuân tăng cao cũng đã gây khó khăn nhất định tại khu vực xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê), nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và đã khắc phục được. Hiện tại, khi mực nước sông Hồng đã tăng, không còn cạn kiệt kỷ lục như năm ngoái, việc lấy nước phục vụ sản xuất cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện đã được đảm bảo" - ông Nghiệp thông tin.

Năm nay, việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở 2 bờ sông Hồng đã thuận lợi hơn. Ảnh: Tô Công

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ - cho biết, những tháng qua, hai bờ sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh không xuất hiện thêm tình trạng sạt lở.

"Thời điểm tháng 5, tháng 6 của năm 2023 rất gay gắt, khi mực nước sông Thao (sông Hồng) và các hồ đập trên địa bàn tỉnh ở mức thấp. Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn trong khoảng 2 tháng qua, mực nước các sông hồ hiện tại đều đã cao hơn so với cùng kỳ, đảm bảo đủ nước phục vụ cho bà con nhân dân đổ ải vụ mùa được thuận lợi" - ông Bình chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn