MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngập lụt cục bộ tại Đà Nẵng sáng 25.10. Ảnh: ML

Hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện tại miền Trung

Thanh Hải LDO | 26/10/2022 06:31

Chỉ vài trận mưa lớn đêm 24, sáng 25.10, nhiều đường phố ở Đà Nẵng đã tái ngập cục bộ. Khắp nơi, người dân lo kê dọn đồ đạc vì sợ bị ngập lụt. Đây không chỉ là biểu hiện cảnh giác của dân sau trận ngập lụt lịch sử hôm 14.10, mà vì họ đã thấy có nhiều dấu hiệu bất thường của hình thái thời tiết cực đoan, nước biển dâng và thủy triều cao trong thời gian gần đây...

Dự báo diễn biến từ 25.10 đến ngày 26.10, các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 70 đến 150mm. Có nơi mưa to từ 200 - 250mm. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, mưa lớn đã gây ngập cục bộ cả chục tuyến đường. Người dân bỏ việc, về nhà kê dọn đồ đạc, phòng tái ngập. Trên mạng xã hội lan truyền thông tin lo ngại, cảnh báo.

Trước đó, ngày 19.10, thời tiết tại TP.Đà Nẵng rất đẹp, trời quang mây tạnh và nắng nhẹ, nhưng chiều và đêm 19.10 thì thủy triều dâng cao, cửa sông Hàn đổ ra biển gần như bị “hàn” kín, nước sông lênh láng, tràn qua đường Như Nguyệt, Phạm Ngọc Thạch... 

UBND quận Hải Châu đã thông báo, đề nghị dân di dời tài sản lên cao để tránh ngập lụt bất ngờ. Đồng thời tổ chức lực lượng dựng rào chắn ở các điểm ngập để cảnh báo người dân qua lại. Dọc bờ biển ngang, khu vực quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, nước biển tiến sâu vào bờ, đưa sóng lớn vào tận đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, đe dọa gây sạt lở. Nước biển dâng, cộng với sóng lớn cũng đẩy cát, lấp kín các cửa thoát nước... Rất may là không có mưa to thời điểm này.

Trong khi đó, dọc bờ biển các huyện Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh TT-Huế, từ thị xã Điện Bàn đến Hội An, Quảng Nam cũng xảy ra tình trạng nước biển dâng, sóng lớn đánh sập các bờ biển, gây sạt lở nghiêm trọng.

Tại khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, Hội An, nhiều nhà dân và nhà hàng bị sóng đánh tan hoang. Đa số nhà bị sập hơn một nửa, phòng tắm, gian bếp bị cuốn sập hoàn toàn. Sóng biển khoét mạnh vào móng nhà, tạo thành hàm ếch sâu hơn 2 mét, khiến nhiều ngôi nhà tại khu vực đứng trước nguy cơ sụp đổ. 

Người dân Hội An cho biết, tối 19.10, từng đợt sóng cao 3- 4m khoét mạnh vào tận vách nhà mình. Sau đó, nước biển xâm lấn, tràn lên nhà rồi băng qua đường. Người dân đã tự sơ tán, sau khi quay về thì chứng kiến nhiều ngôi nhà đổ sập.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Với tư cách người dân bản địa, quan sát nhiều năm tôi thấy diễn biến khí hậu thời tiết quá bất thường. Tác động của nước biển dâng, xâm thực, gây sạt lở là rất lớn và đáng lo ngại”.

Ông Hùng cho hay, bão số 6 (hôm 19.10) gần như tan ngoài khơi, trong đất liền miền Trung trời quang mây tạnh, thậm chí nắng đẹp. Thế nhưng thủy triều và nước biển dâng bất thường. Nước dâng cao, xâm nhập sâu vào bờ, kè, cộng với sóng lớn nên gây sạt lở nghiêm trọng dọc bờ biển Cửa Đại, Hội An.

Hiện nay, tại các vị trí đã xây dựng đê ngăn sóng, bơm cát (tầm 1.000m dài ở khu vực bãi tắm Cửa Đại) thì ít bị sạt lở, nhưng khu vực chưa có đê ngăn sóng - nơi các hàng quán và một số ít nhà dân đã bị sạt lở rất nghiêm trọng. Hiện nay, Quảng Nam đang tiếp tục triển khai thêm dự án chống xói lở bờ biển Cửa Đại với quy mô 210 tỉ đồng. Hy vọng sẽ sớm hạn chế vấn nạn sạt lở này.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, chuyên gia về thủy lợi, nguyên Phó GĐ Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng, cả phân tích dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, lẫn thực tiễn đều cho thấy hiện tượng và tầng suất thời tiết cực đoan xảy ra dày đặc, nhiều hơn trước. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trước đây được dự báo sẽ ảnh hưởng ở miền Tây, Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nay đã hiển hiện tại miền Trung. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần có phương án ứng phó.

Còn theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, trong các phương án phòng chống thiên tai, chính quyền cũng đã xây dựng kịch bản chủ động nhất, thích ứng với thời tiết, khí hậu cực đoan như hiện nay. Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị công tác quy hoạch, xây dựng phải có tầng nhìn xa. Hạn chế thấp nhất việc bêtông hóa, nâng cốt nền các công trình xây dựng, kể cả giao thông. Đặc biệt, tại Hội An, phải giữ các sông hồ, những cánh đồng có chức năng điều tiết, thoát lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn