MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người anh hùng giữa cỏ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Hồ Giáo làm bạn với trâu

Trà Ban - Quang Hiệu LDO | 11/02/2021 19:14
Ở Việt Nam, một người hai lần nhận danh hiệu Anh hùng thì không phải một nhưng hai lần nhận danh hiệu cao quý ấy cho mỗi một việc nuôi trâu thì chỉ có Hồ Giáo.

Nhà nước trao danh hiệu ấy cho ông Hồ Giáo không chỉ vì ông nuôi trâu giỏi, luôn tận tụy và làm tốt nhất với công việc được giao phó mà cái chính là cách ông chăm con vật, cách thuần dưỡng vật nuôi của ông. Hồ Giáo đã “chinh phục” những con trâu hung dữ nhất bằng chính tình yêu thương của mình, vì ông luôn xem những con trâu ông nuôi dưỡng hằng ngày như những người bạn.

Những gì mà ông tâm sự với đàn trâu được xem như một thứ “mật ngữ”, chỉ có ông và đàn trâu biết. Nhìn cái cách ông “trò chuyện” với chúng, cái cách chúng mừng rỡ khi thấy ông xuất hiện ở trại trâu sau nhiều ngày không đến, đã nói lên rằng, hình như Hồ Giáo được trời sai phái xuống trần gian để bè bạn với đàn trâu vậy.

Chuyện ở Ba Vì

Năm 2008, Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc thi bút ký viết về những “gương điển hình”. Nhà báo Trần Đăng của Báo Lao Động đạt giải Ba với bút ký “Bài ca Mura”, viết về anh hùng Hồ Giáo nuôi đàn trâu Mura ở huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc thi có quy định là tác giả nào đạt giải thưởng thì được dẫn theo nhân vật của mình ra Thủ đô nhận giải. Đấy là cơ may hiếm hoi để Hồ Giáo trở lại Ba Vì, nơi lần đầu ông nhận danh hiệu Anh hùng Lao Động năm 1966. Cho mãi đến lúc đó (2008), Hồ Giáo chưa một lần trở lại nơi đã gắn bó cả tuổi trẻ của ông ở Nông trường Ba Vì, chỉ vì … nghèo quá.

Nghe anh Trần Đăng đề nghị ra Bắc một chuyến, ông Hồ Giáo hồ hởi nhưng liền đó là tắt ngay nụ cười. Ông nói giọng buồn xo: “Tui không có tiền để đi với anh đâu”. Anh Trần Đăng mở lối thoát hiểm cho ông: “Cháu lo việc đi lại, miễn bác chịu đi thôi”. Thế là ông lên đường đi nhận giải thưởng cùng tác giả bằng bộ quần áo đại cán quen thuộc.

Hồ Giáo với đàn bê con Mura tại trại trâu Nghĩa Hành. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Tính đến năm 2008 là tròn 35 năm kể từ khi Hồ Giáo về miền Nam sau ngày hòa bình, ông mới có dịp trở lại đất Bắc. Ông ra Thủ đô mà mặt vẫn cứ buồn buồn. Gặng hỏi ông có chuyện gì không thì chỉ nhận ở ông cái lắc đầu. Lại hỏi ông có đề nghị gì không thì ông rụt rè: “Tui muốn đi Ba Vì quá”. Nhà báo Quang Hiệu của Báo Lao Động, hay tin ông Hồ Giáo có ý định trở lại Ba Vì bằng… xe ôm, anh nói ngay: “Cháu sẽ đưa bác đi Ba Vì bằng ôtô”.

Ông Giáo nghe anh Hiệu giới thiệu rằng, anh là con bà Bản, từng là “thiếu nữ Đội 8” của Nông trường Ba Vì do Hồ Giáo làm Đội trưởng, từng được ông cho uống sữa bò từ khi lọt lòng, Hồ Giáo càng vui. Ông lên xe rồi trực chỉ Ba Vì bằng một gương mặt khác hẳn so với những ngày trước đó.

Cụ Bản - mẹ nhà báo Quang Hiệu - cùng các “thiếu nữ Đội 8” của Nông trường Ba Vì, đón Hồ Giáo bằng một bữa cơm trưa đạm bạc. Trong bữa cơm đoàn viên sau 35 năm ấy, họ “tố” ông Giáo đủ điều, trong đó có hai chuyện đáng nhớ nhất. Chuyện thứ nhất là Hồ Giáo đi cắt cỏ gần một doanh trại quân đội. Mưa đầu mùa, lũ cá trắm cỏ được hợp tác xã nuôi trong ao háo hức “vượt rào”. Nhiều con nằm hẳn trên bờ, chỉ cần Hồ Giáo tóm lấy một con bỏ vào giỏ cỏ, ngày hôm đó sẽ được một bữa tươi ngon lành mà chả ai biết được. Thế nhưng, Hồ Giáo thì không. Hễ thấy con nào “mắc cạn” trên bờ là ông nhặt lên và trả chúng về dưới ao cho hợp tác xã!

Ông luôn “quên” thân mình mà chỉ chăm lo cho đàn bò sữa do ông phụ trách. Trong đàn bò có con bê sinh thiếu tháng, tưởng chết rồi nhưng bàn tay mẹ hiền của Hồ Giáo đã giúp con bê ấy hồi sinh và hóa thân vào tiểu thuyết “Cô Bê 20” của nhà văn Văn Biển - sách gối đầu giường của trẻ con miền Bắc đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Nhà văn Văn Biển kể rằng, ông lên Ba Vì để thâm nhập thực tế theo lời khuyên của chú ruột ông - Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hồ Giáo nhận ra đồng hương Văn Biển cũng người Quảng Ngãi, ông rất vui mừng. Ông “ưu tiên” đãi nhà văn đồng hương bằng món… châu chấu rang. Ăn đến ngày thứ…7 món này, tác giả “Cô Bê 20” đón xe về Hà Nội luôn!

Chuyện thứ hai ở Ba Vì, liên quan đến việc nuôi trâu của Hồ Giáo. Các “thiếu nữ Đội 8” dẫn Hồ Giáo dạo bước trên những lối đi quen thuộc từ 40 năm trước. Đang ôn nghèo kể khổ, ông Giáo xin được ghé thăm một gia đình nuôi bò ở đây. Nghe giới thiệu đây là bác Hồ Giáo, anh thanh niên kỹ sư nuôi bò ồ lên mừng rỡ. Ông Giáo nhìn một lượt chuồng bò, thấy con bò sữa đi cà nhắc, ông hỏi anh kỹ sư: “Con bò nó bị lở móng rồi phải không?”. Anh kỹ sư trố mắt: “Sao bác biết ạ?”. Ông Giáo không trả lời câu hỏi mà khuyên luôn: “Anh đưa nó ra khỏi chuồng chứ để nó đi trên nền xi măng thế này, uống cả bồ kháng sinh cũng không khỏi đâu!”.

Anh kỹ sư chăn nuôi chưa hết ngạc nhiên thì ông Hồ Giáo hỏi tiếp: “Con bò này cho sữa có đều không?”. “Dạ cũng tạm thôi ạ. Cháu không rõ là hễ bữa nào con gái cháu chăm thì bò cho sữa nhiều mà đến lượt mẹ cháu thì sữa giảm 2-3 lít ạ?”. Ông Giáo vỗ vai anh kỹ sư: “Anh biết sao không? Con anh 13 tuổi thì nó mải đánh đáo, lâu lâu nó chợt nhớ nhiệm vụ nên bỏ một ít cỏ cho bò rồi đi chơi tiếp. Con bò luôn trong trạng thái thèm ăn. Nó ăn miếng nào là “tiêu hóa” ngay miếng cỏ đó. Sữa vì thế mà cũng nhiều hơn. Còn vợ anh, cô ấy vì bận việc khác nên bỏ vào máng một lúc cả bó cỏ nên con bò nó có cảm giác “ngán”, sữa giảm là lý do này”. Nghe Hồ Giáo phân tích vậy, anh kỹ sư “đứng hình” luôn.

Mừng như mẹ chợ về

Năm 1999 lụt lớn ở Quảng Ngãi, ông Hồ Giáo không lên thăm đàn trâu ở Nghĩa Hành, cách nhà ông 6 cây số được. Ba ngày sau khi nước rút, ông mới lên thăm. Tôi đi cùng ông lên trại trâu và chứng kiến “lũ trẻ” ùa ra vây lấy ông như thể đón mẹ chợ về. Con thì cản đường không cho ông đi, đứa thì rúc đầu vào bụng ông Giáo, lại có con cứ kêu lên những âm thanh mà chỉ có Hồ Giáo mới hiểu nó nói gì với ông.

Hồ Giáo với các “thiếu nữ đội 8”. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Năm 1990, Hồ Giáo nghỉ hưu. Hành trang trở lại quê nhà từ Nông trường Sông Bé là đàn trâu trên 20 con, có tên Mura. Đây là món quà mà Thủ tướng Ấn Độ khi ấy, tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lâu nay ông Giáo vẫn coi Phạm Văn Đồng như một người cha của mình. Ngược lại, ông Phạm Văn Đồng cũng xem Hồ Giáo như một đứa con xa nhà thời còn trên đất Bắc. Ông Phạm Văn Đồng tin, chỉ có Hồ Giáo mới duy trì đàn trâu mà mỗi con nặng cả tấn kia thôi.

Hồ Giáo được tỉnh Quảng Ngãi “ký hợp đồng” với mức phụ cấp 300.000đ/tháng (thời điểm trước năm 2000). Nhiệm vụ của ông Giáo không chỉ là duy trì đàn trâu mà làm sao đó, nhân giống trâu này ra cho toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Giáo đề nghị với mấy kỹ sư ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi là nên cho lũ bê con của trâu Mura chơi chung với lũ bê trâu cỏ để chúng làm quen, sau này phối giống sẽ dễ dàng. Các kỹ sư đâu chịu nghe “lý luận” ấy của ông già mới học lớp ba, mà họ làm theo sách vở họ học! Khi những con trâu cỏ nuôi ở các hộ gia đình động dục, dẫn con trâu “thanh niên” MU ra đến để “làm quen”. Dù đang động dục nhưng thấy thằng “Tây lai” quá khủng, con trâu cỏ cong đuôi chạy biến! Thế là kế hoạch nhân giống đàn trâu tan thành mây khói.

Các kỹ sư chăn nuôi, thường tính ngày tính tháng ghi vào nhật ký theo dõi những con trâu mang thai nhưng họ rất vất vả không biết lúc nào thì trâu đẻ. Nhưng Hồ Giáo chỉ cần áp tai vô bụng nó là ông biết chính xác thời gian sinh nở của nó, tính được từng giờ! Ông Giáo có một năng khiếu thiên bẩm như vậy nên toàn bộ những con trâu Mura đực hung dữ ở trại trâu, hễ thấy bóng ông đầu ngõ là chúng “im như thóc”. Ông chẳng la rầy đánh đập gì chúng ta mà chỉ… xoa đầu. Bọn trâu Mura này hễ thấy người lạ là chúng gầm gừ rất ghê. Nếu không có ông Giáo đi cùng thì đố ai dám lại gần chúng.

Hồ Giáo về trời đã 5 năm nay, trại trâu Mura cũng đã giải thể. Ông đã hóa thân thành lời ca về sự tận hiến của một con người luôn làm tốt nhất phần việc của mình bằng trách nhiệm lẫn sự yêu thương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn