MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Du - chủ hộ kinh doanh karaoke 5 Sao phát biểu kiến nghị. Ảnh: Phạm Đông

Hộ kinh doanh vẫn mắc kẹt vì quy định phòng cháy, chữa cháy

Phạm Đông LDO | 23/08/2023 06:41

Các quy định về phòng cháy chữa cháy hiện nay đang khiến nhiều hộ kinh doanh bị “mắc kẹt”, không biết phải đáp ứng như thế nào. Trong khi đó, công tác quy hoạch hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu; còn nhiều bất cập…

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó vì... quy chuẩn

Chia sẻ khó khăn trong công tác khắc phục vi phạm về PCCC tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề ngày 21.8 do Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Văn Du - chủ hộ kinh doanh karaoke 5 Sao (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội) đã nêu ra nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Du cho rằng, việc phải thiết kế, trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với yêu cầu trữ lượng bể nước tính toán trong 3 giờ dẫn tới rất nhiều khó khăn cho cơ sở khi phải đáp ứng khối lượng bể nước lên tới 150 - 250m3; bên cạnh các yêu cầu về phân tán thang bộ thoát nạn, hệ thống hút khói hành lang.

Theo Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình Nguyễn Bá Suốt, hiện nay các văn bản quản lý về PCCC đối với công trình xăng dầu còn chung chung, chưa trực tiếp, liên quan đến 2 Bộ Xây dựng và Công an với đặc thù riêng dẫn đến rất khó thực hiện. “Đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn để đơn vị dễ thực hiện” - ông Nguyễn Bá Suốt nói.

Chuyển các kiến nghị đến cơ quan chức năng

Theo đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Hà Nội hiện công tác quy hoạch hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu; còn nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ có chiều sâu hàng trăm đến hàng nghìn mét; hệ thống trụ nước, bể nước, trữ nước phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu.

Bên cạnh một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng thực hiện Luật PCCC, các văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện hoạt động của lực lượng cảnh PCCC và cứu nạn, cứu hộ… Công an TP Hà Nội kiến nghị bổ sung quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC và CNCH tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động PCCC.

Tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định, với địa bàn Thủ đô, khối lượng công việc trong công tác PCCC là rất lớn. Do đó, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành và nhân dân. Các ý kiến cử tri sẽ được tổng hợp đầy đủ để chuyển tải tới các cơ quan chức năng, chuyên môn, đồng thời tăng cường giám sát để đánh giá thực tiễn, tổng hợp để cập nhật, hoàn thiện pháp luật.

Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của kỳ họp Quốc hội thứ 5, ĐBQH Mai Văn Hải (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, những quy định về PCCC lại đang gây ra nhiều rào cản, khó khăn khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác PCCC, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển KT-XH.

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình PCCC, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu cho rằng, cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý PCCC theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về PCCC, tháo gỡ các vướng mắc về PCCC để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn