MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hồ sơ người có công tồn đọng: Nỗi khắc khoải của nhiều gia đình

ANH THƯ LDO | 27/07/2022 17:32
Nhiều trường hợp chiến sĩ hy sinh đã 70-80 năm thậm chí có trường hợp trên 90 năm, đến nay gia đình và người thân vẫn thầm mong khắc khoải đợi chờ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, qua các thời kỳ kháng chiến, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp, tại các cơ quan quản lý người bị thương, hy sinh không còn lưu giữ được hồ sơ. Bản thân người tham gia cách mạng và thân nhân không giữ được giấy tờ gốc hoặc các giấy tờ ghi nhận sự việc bị chết, bị thương trong kháng chiến...

Vì vậy, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác nhận người bị chết là liệt sĩ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

"Nhiều trường hợp hy sinh đã 70-80 năm thậm chí có trường hợp trên 90 năm, đến nay gia đình và người thân vẫn thầm mong khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là điều trăn trở và day dứt của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp" - ông Hoan bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với tinh thần trách nhiệm cao và cách làm sáng tạo, có hệ thống, từng bước đi vững chắc, thông tin rõ đến đâu trả lời thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ đến đó, trong 5 năm qua (2017-2021) việc tập trung giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng qua các thời kỳ, được coi là một bước đột phá lớn của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng ở nhiều địa phương.

Đặc biệt, năm 2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20.3.2017 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên.

"Đây được coi là bước đột phá trong giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công tại các tỉnh, thành phố khi việc xem xét, xác nhận những trường hợp hy sinh quá lâu ngày càng trở nên khó khăn do nhân chứng, giấy tờ không còn" - Thứ trưởng Hoan nói.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, đến nay cả nước đã xem xét giải quyết trên gần 7.000 hồ sơ tồn đọng.

Trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2000 liệt sĩ, trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, đây là một kết quả ấn tượng trong công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng, tạo được niềm tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.

Để tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 30.12.2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó tiếp tục giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, cùng với nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được tổ chức trên toàn quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ.

Đây chính là hoạt động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, để bày tỏ tấm lòng thành kính của những người làm công tác thương binh xã hội đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn