MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh quan của hồ Tây đã phong quang. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hồ Tây thoáng đãng sau khi tháo dỡ nhiều công trình nổi xuống cấp, bỏ hoang

Vĩnh Hoàng LDO | 23/10/2023 11:18

Hà Nội - Sau thời gian tiến hành tháo dỡ các công trình, tàu bị bỏ hoang, đến nay, cảnh quan của hồ Tây đã phong quang, lấy lại vẻ đẹp tự nhiên của mặt hồ.

Theo ghi nhận của Lao Động trong sáng 23.10, một số công trình nổi xuống cấp, bỏ hoang nhiều năm trên mặt nước hồ Tây đã được tháo dỡ, di dời.

Điển hình như nhà nổi thuộc Xí nghiệp Môi trường hồ Tây nằm ở phố Tô Ngọc Vân (phường Quảng An, Tây Hồ), sau một thời gian không được bảo trì dẫn đến xuống cấp. Đến nay, công trình đã được di dời.

Mặt hồ Tây khu vực phố Tô Ngọc Vân (phường Quảng An, Tây Hồ) thoáng đãng Ảnh: Vĩnh Hoàng

Thường xuyên câu cá tại hồ Tây, ông Nguyễn Thanh Cao (62 tuổi, Quảng An, Tây Hồ) cho biết, nhà nổi thuộc Xí nghiệp Môi trường hồ Tây được tháo dỡ giúp trả lại vẻ đẹp tự nhiên trước đó của hồ Tây.

Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cách đó không xa, tại khu vực hồ Tây đoạn Đầm Bảy, du thuyền Potomac đã được lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ.

Sau khi di dời ra khỏi mặt hồ, đến nay cảnh quan đã phong quang, trả lại vẻ đẹp cho mặt hồ.

Du thuyền còn lại trên mặt nước hồ Tây đã được tháo dỡ, di dời. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tại hồ Thủy Sứ trong khu vực hồ Tây, công trình được dựng khung nhôm kính lợp mái lá nằm giữa hồ cũng đã được lực lượng chức năng tổ chức quây rào, tháo dỡ.

Công trình trên hồ Thủy Sứ đang được tháo dỡ, di dời. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Tây Hồ Bùi Tuấn Dương, sau khi hoàn thành việc di dời tàu thuyền theo chỉ đạo của thành phố, quận Tây Hồ tiếp tục triển khai loạt giải pháp để bảo đảm môi trường nước, như lên phương án nạo vét bùn lòng hồ, sục khí, thả bè thủy sinh... để từng bước làm sạch nước hồ.

Đồng thời, quận Tây Hồ cũng chủ động nghiên cứu chỉnh trang hạ tầng quanh hồ như bố trí đèn điện chiếu sáng, đèn trang trí, cải tạo đường dạo, vườn hoa quanh hồ.

Công trình trên hồ Thủy Sứ xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mĩ quan đô thị đã được phá dỡ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Phía bên ngoài công trình trên hồ Thủy Sứ, lực lượng chức năng đã tổ chức quây rào. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo ông Dương, về mục tiêu dài hạn, UBND quận Tây Hồ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận. Nội dung của đề án bao gồm việc thực hiện quy hoạch, quản lý hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; quản lý không gian chức năng; làm rõ các hạng mục kinh doanh dịch vụ, thể thao, du lịch được khai thác, theo chỉ đạo của thành phố.

Trước đó, UBND TP Hà Nội có thông báo số 38/TB-UBND ngày 7.2.2017 về việc chỉ đạo chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây; di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết, xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện ra khỏi hồ Tây.

Hồ Tây là hồ nước ngọt lớn nhất nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha, chu vi khoảng 16 km. Vào thời gian cao điểm, có 14 doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác bến thủy nội địa, sử dụng tới 147 phương tiện thủy nội địa để kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí trên mặt hồ Tây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn