MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gỗ nổi dày đặt trên sông Đắk Mi. Ảnh: Thanh Chung

Hồ thủy điện ở Quảng Nam bị gỗ phủ kín mặt nước

Thanh Chung LDO | 05/11/2020 16:51

Nhiều sông, hồ thủy điện ở Quảng Nam bị gỗ, rác phủ kín mặt nước sau bão số 9.

Ngày 5.11, trên khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4, qua xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) vẫn còn tình trạng hàng ngàn mét khối gỗ đủ loại, trôi lấp hàng trăm mét vuông mặt nước lòng hồ thủy điện.

Con sông Đắk Mi biến thành con sông “gỗ” sau bão số 9. Ảnh: Thanh Chung

Theo người dân địa phương, sau bão số 9 đổ bộ, hàng trăm mét khối gỗ cùng đất đá sạt lở kéo xuống sông Đăk Mi và được nước lũ cuốn về khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4.

Gỗ nổi trên lòng hồ gồm gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều cây gỗ đường kính lớn, đường kính thân khoảng 60-80cm. Bên cạnh những cây gỗ tươi vừa bị sạt lở cuốn trôi thì còn có những khúc gỗ có dấu hiệu cũ, lâu năm.

Hàng trăm khối gỗ theo dòng nước lũ đổ về sông Đắk Mi và hồ thủy điện Đắk Mi 4. Ảnh: Thanh Chung

Tương tự, tại sông Leng và đuôi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, Quảng Nam), một khối lượng lớn gỗ cũng phủ kín mặt nước. Gỗ tại đây chủ yếu là gỗ cây keo và gỗ tự nhiên theo dòng lũ từ thượng nguồn kéo đến, phủ kín hàng trăm mét vuông mặt nước.

Gỗ kín mặt nước sông Tranh 2 và sông Leng. Ảnh: Thanh Chung

Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, lượng rác và cây cối này từ các sông giáp ranh với lòng hồ thủy điện, theo dòng lũ đổ về.

“Lượng rác và cây cối đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 không đáng kể. Lượng rác này chủ yếu cành cây keo của người dân trồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương kéo lượng rác này lên bờ, nhằm tránh chảy về đập thủy điện. Thời điểm hiện tại việc điều tiết xả lũ vẫn đảm bảo an toàn, đơn vị cử người túc trực và xử lý kịp thời”- ông Toàn nói.

Gỗ nổi dày đặc trên mặt sông. Ảnh: Thanh Chung

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà- Trưởng Ban Nội chính tỉnh Quảng Nam, trước thực trạng rác và gỗ nổi trên lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4, ông đã yêu cầu lực lượng kiểm lâm và chính quyền huyện Phước Sơn tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ hiện trường, không cho người dân tự ý trục vớt nhằm đảm bảo an toàn cho họ.

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho hay, ngay sau khi nhận được thông báo về cây cối đổ về các thủy điện, lực lượng đã tuyên truyền cho người dân không được tự ý trục vớt gỗ từ thượng nguồn đổ về các sông.

"Lực lượng đã gửi văn bản về các địa phương tuyên truyền để người dân không trục vớt gây mất an toàn. Đồng thời, lực lượng chức năng phải có trách nhiệm bảo vệ gỗ rừng tự nhiên vì đây là tài sản của Nhà nước. Sau khi qua bão, lực lượng sẽ tổ chức đi trục vớt lượng gỗ tự nhiên"- ông Khánh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn