MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hỗ trợ chiến lược trữ lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ cây sen

Lâm Điền LDO | 26/05/2023 10:57
Thúc đẩy mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi như canh tác sen nhằm hỗ trợ trữ  cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh trữ lượng nước lũ đang giảm sút nghiêm trọng

Ngày 26.5, tại TP Long Xuyên, Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An tổ chức hội thảo khởi động dự án “Xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm từ tơ sen tại Việt Nam nhằm hỗ trợ chiến lược trữ vùng ĐBSCL”.

Trồng sen để khai thác sản phẩm được dự án kỳ vọng như giải pháp hỗ trợ chiến lược trữ lũ cho ĐBSCL. Ảnh: Ban tổ chức hội thảo cung cấp

Giai đoạn 2000 - 2011, tổng trữ lượng nước lũ khu vực thượng nguồn của ĐBSCL bị giảm đi một nửa (từ 9,212 tỉ m3 còn 4,693 tỉ m3). Các tác động do giảm nước vùng trữ lũ tại thượng nguồn đã gây ra tình trạng lũ lụt ngày càng tăng ở hạ nguồn, làm giảm phù sa, và giảm màu mỡ của đất, tích tụ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và giảm lượng lớn trữ lượng thủy sản. Từ thực tiễn đó, các nghiên cứu cho thấy, cần phát huy vai trò của nông nghiệp dựa vào mùa nước nổi nhằm hỗ trợ trữ lũ. 

Tập huấn kỹ thuật rút tơ sen. Ảnh: Ban tổ chức hội thảo cung cấp

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận chuỗi giá trị của các mô hình canh tác dựa vào mùa nước nổi như sen và đặc biệt những giá trị gia tăng có được từ tơ sen nhằm hỗ trợ vùng trữ lũ và khôi phục một phần trong 4 tỉ m3 nước vùng trữ lũ bị thất thoát trong giai đoạn 2000 và 2011 tại ĐBSCL. 

Dự án được thực hiện tại 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Long An trong 3 năm (2023 – 2025). Trong đó, cung cấp hỗ trợ tài chính/kỹ thuật và tập huấn cho nông dân trồng các mô hình sinh kế dựa vào sen, tăng diện tích vùng trữ lũ và xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm tơ sen bằng việc hỗ trợ tiếp cận thị trường và nâng cao sinh kế của người dân trồng sen và những phụ nữ làm nghề thủ công tại các làng dệt truyền thống.

Dệt từ tơ sen. Ảnh: Ban tổ chức hội thảo cung cấp

Theo đó IUCN sẽ hợp tác với các đối tác địa phương hỗ trợ trồng sen trên diện tích 120 ha; tập huấn về rút sợi tơ sen và dệt vải; tiến hành nghiên cứu về các chỉ số đa dạng sinh học và hấp thụ cacbon liên quan đến sen; và huy động doanh nghiệp hỗ trợ thiết kế, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm từ tơ sen.

Dự án mới này kế thừa từ dự án “Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi nhằm hỗ trợ chiến lược trữ lũ vùng ĐBSCL, Việt Nam” được thực hiện bởi IUCN từ 2018-2021.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn