MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù đã bước vào thời điểm cận Tết nhưng lượng bánh đa nem sản xuất ra mỗi ngày tại làng Ngự Câu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn ảm đạm. Ảnh: Lê Tâm

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu

THU GIANG - LÊ TÂM LDO | 16/01/2024 10:17

Trái ngược với hình ảnh tất bật sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2024, nhiều người dân tại làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang lo lắng vì sức tiêu thụ giảm bởi người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Làng nghề thấp thỏm vì đơn hàng thấp

Ghi nhận của PV Lao Động trong sáng ngày 15.1 cho thấy, tại các làng nghề truyền thống ở TP Hà Nội như làng nghề bánh đa nem Ngự Câu (huyện Hoài Đức), làng lụa Vạn Phúc, làng rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông)... dù đã bước vào thời điểm cận Tết nhưng nhiều người dân tại các làng nghề đang tỏ ra khá lo lắng vì đơn hàng vào thời điểm cuối năm giảm mạnh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (sinh sống tại làng nghề bánh đa nem Ngự Câu, huyện Hoài Đức) chia sẻ, đây là nghề mang lại thu nhập chính của gia đình, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, dù đã bước vào thời điểm cận Tết nhưng lượng bánh đa nem sản xuất ra mỗi ngày tại làng vẫn không tăng, chỉ nhỉnh hơn so với những ngày bình thường.

“Mỗi ngày, chúng tôi chỉ sản xuất khoảng 1.500 phên, mỗi phên được 9 lá nem. Thông thường buổi sáng, các cửa hàng bán buôn sẽ đến nhập hàng, mức giá dao động khoảng từ 10.000 - 12.000 đồng/100 lá, giảm số lượng khoảng 30-40% so với mọi năm. Buôn bán ế ẩm, đơn hàng giảm mạnh, nhiều hộ kinh doanh không trụ được, chúng tôi lo sẽ mất làng nghề" - bà Tuyết nói.

Cũng bày tỏ sự lo lắng, ông Hoàng Văn Hùng (chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề rèn Đa Sỹ, quận Hà Đông) cho biết, dù đã bám nghề 40 năm nhưng đến đời các con của ông không ai theo nghề vì công việc vất vả, thu nhập thấp.

Theo ông Hùng, dù chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng lượng đơn hàng tại xưởng vẫn đếm trên đầu ngón tay. Trung bình mỗi ngày ông Hùng chỉ sản xuất 50 dao, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi khoảng 250.000 đồng/ngày, không khấm khá hơn ngày thường là bao.

Để thu hút khách du lịch, kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) - thông tin, hiện Làng dệt lụa Vạn Phúc còn khoảng 200 hộ sản xuất kinh doanh.

Thời điểm cận dịp Tết, các hộ dân kinh doanh tại đây đã linh hoạt đưa ra nhiều sản phẩm thời trang phục vụ dịp Tết Nguyên đán như áo dài lụa truyền thống, áo dài cách tân...

Để gìn giữ và phát triển làng nghề bền vững, theo ông Phạm Khắc Hà, nhiều hộ dân tại đây đã phải kết hợp công việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa với mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm...

Yêu cầu của thị trường nội địa ngày càng khắt khe

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, chương trình khuyến mại năm nay kéo dài hơn, tập trung vào từng loại hàng hoá theo chủ đề từng tháng để kích thích người dân mua sắm, tiêu dùng.

Trong tháng cuối năm và mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu, tăng khả năng mua sắm của người dân.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân, tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ nền kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường nội địa là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế. Với quy mô hơn 100 triệu dân, thị trường nội địa hiện là mảnh đất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp, làng nghề khai thác. Dù vậy, yêu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe, đòi hỏi hàng Việt Nam phải có chất lượng tương đương, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, kết nối làng nghề sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Qua đó, góp phần củng cố thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn