MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo . Ảnh: Hải Nguyễn

Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dịch COVID-19: Đảm bảo an sinh xã hội toàn dân

VƯƠNG TRẦN LDO | 08/04/2020 09:11
Trao đổi với Lao Động về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhấn mạnh: “Chính sách này thể hiện được vai trò, trách nhiệm “bà đỡ” của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo dự thảo, dự kiến, những hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6.2020.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 có nêu rõ các mức hỗ trợ với các đối tượng bị ảnh hưởng. Đối với các hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31.12.2019 dự kiến được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4-6.2020. Dự kiến, tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 6.730 tỉ đồng, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ.

Nhìn nhận về gói an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và chính sách hỗ trợ cho người nghèo, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, ý nghĩa của gói chính sách hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là đảm bảo xuyên suốt mục tiêu an sinh xã hội cho mọi người dân trên tinh thần không có ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Lợi phân tích, đối tượng người nghèo, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là những người có thu nhập thấp. Nên khi dịch COVID-19 diễn ra, họ không có việc làm, không có thu nhập thì nhóm này là nhóm yếu thế nhất trong xã hội.

“Chính vì lẽ đó, Chính phủ đã quyết định một gói hỗ trợ dành cho nhóm này 1 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng, thể hiện sự chia sẻ và đây là vai trò “bà đỡ” của Nhà nước làm sao cho mọi người không rơi xuống mức chuẩn nghèo. Điều đó cũng cơ bản đảm bảo được cuộc sống để họ khắc phục được khó khăn, tham gia cùng với Chính phủ chống dịch COVID-19. Vì hiện nay, chúng ta đang thực hiện cách ly xã hội nên quá trình tìm kiếm việc làm gặp khó khăn. Mục tiêu của gói hỗ trợ là để đảm bảo an sinh xã hội toàn dân” - ông Lợi nói.

Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhìn nhận: Dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp, người lao động và nhiều đối tượng khác. Nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo rất được quan tâm và được đề xuất hỗ trợ. Đây là gói hỗ trợ cực kỳ thiết thực trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, cả xã hội đang phải thực hiện cách ly. Việc này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho những đối tượng yếu thế trong xã hội.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người lao động phải đi tìm kiếm việc làm hoặc bươn chải kiếm sống thì không chỉ khó khăn về đời sống mà ảnh hưởng cả đến chuyện ổn định cách ly, không di chuyển. Nhiều đối tượng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo rơi vào tình trạng khó khăn hơn” - ông Cường cho hay.

Thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng

Nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước rất đúng và trúng, song ông Bùi Sỹ Lợi nói rằng, điều quan trọng nhất là tổ chức triển khai phải đúng người, đúng việc. Có thể 1 người rơi vào 2, thậm chí là 3 nhóm đối tượng được hưởng gói chính sách, nên vấn đề quan trọng là lập danh sách đúng đối tượng. Muốn như vậy, phải có tiêu chí cụ thể để phổ biến cho các địa phương, chính quyền cơ sở nắm được, từ đó họ tổng hợp, theo dõi, lên danh sách với mục tiêu đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Trên cơ sở đó, các địa phương triển khai tổ chức thực hiện kịp thời để giải quyết khó khăn đời sống cho người dân.

Muốn tổ chức thực hiện tốt, cần phải nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận phải tham gia giám sát, theo dõi. Ngoài ra, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm để tránh trùng lắp, trục lợi, tránh lạm dụng.

“Đây là chính sách nhân văn nên phải kịp thời, phải công khai, minh bạch và phải thể hiện được bản chất tốt đẹp của xã hội. Thông qua chính sách này, người dân thấy được tình cảm, trách nhiệm “bà đỡ” của Nhà nước để họ thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Chính sách này cũng thể hiện tinh thần chia sẻ, đoàn kết dân tộc và nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội của mỗi người. Chúng ta vừa đạt được mục tiêu an sinh xã hội nhưng đồng thời cũng đảm bảo được an toàn trật tự xã hội” - ông Lợi nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn