MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhiều doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk hoạt động khó khăn, phải cắt giảm nhân sự. Ảnh: Bảo Trung

Hỗ trợ lao động thất nghiệp ở Đắk Lắk tìm việc làm dịp cuối năm

BẢO TRUNG LDO | 20/11/2023 07:28

Trong những tháng cuối năm 2023, một bộ phận người lao động thất nghiệp ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn chật vật tìm kiếm công việc ổn định. Trong bối cảnh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp tại địa phương vẫn cố gắng tìm kiếm thêm các đơn hàng, cải thiện tình hình kinh doanh nhằm duy trì các khoản lương, thưởng Tết cho người lao động...

Thất nghiệp kéo dài

Em H’Trí Nay (huyện Ea H’Leo) cho biết: “Học hết cấp 3, em vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với mình nên ở nhà phụ giúp cha mẹ làm rẫy. Trình độ của em có hạn nên khi nộp hồ sơ, nhiều nơi công ty cần người tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học nên không tiếp nhận. Sắp tới em dự kiến lên địa bàn TP Buôn Ma Thuột xin vào làm công nhân may hoặc giày da, không đòi hỏi cao về trình độ”.

Bị doanh nghiệp sa thải đã 3 tháng, chị H.D.K (32 tuổi, xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo) nói: “Ba tháng trước tôi bị một doanh nghiệp dệt may ở địa bàn TP Buôn Ma Thuột sa thải vì doanh nghiệp nhiều tháng không có đơn hàng, hoạt động kinh doanh ế ẩm. Thất nghiệp về quê, tôi xin đi làm đủ việc nhưng chẳng nơi nào nhận vì họ không có nhu cầu tuyển thêm người và phần khác do tôi đã lớn tuổi, khó làm công việc đòi hỏi áp lực, nặng nhọc”.

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11.2023, có 861 người ở địa bàn tỉnh nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đơn vị đã ban hành 877 quyết định hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, với số tiền chi trả hơn 14 tỉ đồng. Tất cả người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn việc làm, tư vấn học nghề để sớm tìm được công việc phù hợp.

Từ nay đến cuối năm 2023, số lượng người lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk được dự báo sẽ còn tăng thêm, lũy kế cả năm 2023 tỉ lệ người lao động thất nghiệp sẽ cao hơn năm 2022, do biến động của suy thoái kinh tế.

Sẽ cải thiện tình hình

Khảo sát tại cụm công nghiệp Tân An (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), hiện nhiều doanh nghiệp có cơ sở sản xuất đóng chân tại đây đều đang lâm vào cảnh khó khăn về đơn hàng dịp cuối năm, doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ 3 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, một số đơn vị đang đang ráo riết tìm kiếm thêm đơn hàng, đối tác để duy trì ổn định khả năng tài chính nhằm chi tiêu các khoản lương, thưởng cuối năm cho người lao động.

Một chủ doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mặt hàng sơn ở TP Buôn Ma Thuột cho hay: “Tình hình năm nay làm ăn rất khó khăn, đơn hàng của chúng tôi dù vẫn đều nhưng không có hợp đồng lớn. Trong bối cảnh còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm thêm đơn hàng, cải thiện tình trạng kinh doanh. Doanh nghiệp thương cảnh hơn 30 người lao động ai cũng có cuộc sống, gia đình, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên không nỡ sa thải ai cả, cố gắng lấy khoản này bù chi phí khác, gắng đến Tết Nguyên đán thưởng cho anh em tiền về quê...”.

Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk thông tin, trong tháng cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc. Dự kiến trong tháng 12.2023, trung tâm sẽ tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho khoảng 1.600 lượt người; giới thiệu việc làm cho 750 lượt người và tổ chức tiếp các phiên giao dịch việc làm theo kế hoạch đề ra. Đơn vị còn tiếp tục phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện chương trình EPS cho người lao động tại địa phương; hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp khoảng 30 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn