MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn vị hỗ trợ cam kết với nông dân về chất lượng, năng suất lúa của mô hình. Ảnh: Xuân Nhi

Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ

NGUYÊN ANH LDO | 20/03/2024 11:08

Theo nội dung hợp tác, Công ty sẽ bán phân bón hữu cơ trả chậm cuối vụ cho các hợp tác xã (HTX) có hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của đơn vị đầu tư mô hình.

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư TTP Global đầu tư mô hình “Thử nghiệm sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ”.

Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, việc hợp tác giữa hai bên để thực hiện mô hình thử nghiệm, khi có hiệu quả sẽ làm điểm cho nông dân tham quan học tập.

“Việc hợp tác này cũng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn đảm bảo quyền lợi của nông dân, chọn địa điểm phù hợp với thổ nhưỡng và loại phân hữu cơ, nhất là đáp ứng được nhu cầu giống lúa của nông dân đang canh tác”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo nội dung hợp tác, Công ty Global sẽ bán phân bón hữu cơ trả chậm cuối vụ cho các hợp tác xã (HTX) có hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của đơn vị đầu tư mô hình. Thời gian thực hiện mô hình trình diễn vào vụ lúa Hè Thu năm 2024 (tháng 4 đến 8.2024).

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang và Công ty Global trao đổi các thông tin về mô hình. Ảnh: Nguyễn Quí

Trên cơ sở thỏa thuận giữa Hội Nông dân tỉnh với Công ty Global, Hội xây dựng Kế hoạch thực hiện mô hình, phối hợp với Hội Nông dân huyện và cơ sở khảo sát, tư vấn chọn 3ha/3 hộ đủ điều kiện và tự nguyên tham gia mô hình, thẩm định theo tiêu chí về liền canh, điều kiện sản xuất thuận lợi cho việc thâm canh trên cùng một vùng đất sản xuất lúa tại địa bàn một xã.

Lựa chọn mỗi huyện từ 1-2 HTX có diện tích sản xuất từ 100ha trở lên, Công ty sẽ đầu tư phân bón hữu cơ trả cuối vụ cho HTX thực hiện. Giai đoạn 2024 thực hiện tại 3 huyện gồm Châu Thành, Giồng Riềng và Tân Hiệp.

Thực hiện giao nhận vật tư theo định mức quy định. Tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất đầu vụ cho các hộ tham gia mô hình và nông dân quanh vùng. Cam kết với nông dân về chất lượng, năng suất lúa của mô hình.

Ngoài ra sẽ hợp đồng với cán bộ khuyến nông cơ sở làm cộng tác viên, hướng dẫn nông dân thực hiện theo quy trình kỹ thuật, định kỳ kiểm tra, lấy các chỉ tiêu của mô hình. Cuối vụ tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình; Tổ chức hội nghị Tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Thành lập Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất lúa theo yêu cầu địa phương để tiện việc sinh hoạt và triển khai chương trình phối hợp tiếp theo.

Kiên Giang hiện có 453 HTX nông nghiệp, tổng diện tích hơn 64.000ha canh tác, đây là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn