MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trăm ha lúa xuân ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bị chết do đất bốc chua mặn. Ảnh: Nam Hồng

Hỗ trợ nông dân Thái Bình có lúa bị chết, tìm giải pháp cho vụ sau

TRUNG DU LDO | 04/06/2023 17:27

Trước việc hàng trăm ha lúa vụ chiêm xuân 2023 của nông dân các xã An Tân, Hồng Dũng bị chết héo, UBND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã đề xuất các Sở, ngành liên quan tìm giải pháp khắc phục ngay, đồng thời tham mưu UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ bà con bị thiệt hại.

Sẽ có cơ chế hỗ trợ bà con bị thiệt hại

Ngày 4.6, trao đổi với PV Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) - cho biết: Sau khi đánh giá, xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc 162 ha lúa vụ xuân 2023 của nông dân trong huyện bị chết, kém phát triển, không cho thu hoạch - UBND huyện Thái Thụy đã đề nghị các sở, ngành chuyên môn chỉ đạo các đơn vị chức năng có hướng dẫn kỹ thuật, giải pháp khắc phục đối với diện tích bị ảnh hưởng để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, nhất là ngay trong sản xuất vụ mùa 2023; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Thái Bình xem xét hỗ trợ giúp các địa phương bị thiệt hại sớm khắc phục thiệt hại, để nhân dân yên tâm sản xuất cho các vụ tiếp theo.

Trước đó, qua kiểm tra thực tế đồng ruộng tại 2 địa phương gồm Hợp tác xã Thụy Tân, xã An Tân và Hợp tác xã Thụy Dũng, xã Hồng Dũng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho thấy, tổng diện tích lúa xuân 2023 bị ảnh hưởng do thẩm thấu, bốc chua mặn ước khoảng 162 ha (Hợp tác xã Thụy Tân 135 ha, Hợp tác xã Thụy Dũng là 27 ha).

Trong đó, ước tính Hợp tác xã Thụy Tân có khoảng 15% diện tích (thuộc lúa lai) bị ảnh hưởng giảm dưới 30% năng suất, 35% bị ảnh hưởng giảm từ 30 đến dưới 70% năng suất và 50% diện tích khả năng không cho thu hoạch; Hợp tác xã Thụy Dũng ước có 18% diện tích bị khả năng không cho thu hoạch, còn lại là giảm từ 30 đến dưới 70% năng suất.

Theo kết quả kiểm tra, phân tích đánh giá thực trạng đồng ruộng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, huyện Thái Thụy, nguyên nhân chính khiến một số diện tích lúa kém phát triển trên là do thời tiết từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3.2023 có nhiều đợt không khí lạnh (độ ẩm thấp, thời tiết hanh khô, lượng mưa thấp sau khi kết thúc cấy) kết hợp với đất kìm hãm, chua mặn tiềm tàng nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn gây ngộ độc rễ cây.

Cơ quan chức năng ở Thái Bình xác định lúa chết do thiên tai và các yếu tố về đất đai, thổ nhưỡng. Ảnh: Nam Hồng

​​​​Ngoài ra, trong kế hoạch sản xuất, nông dân không theo khuyến cáo của hợp tác xã cấy nhiều giống chất lượng kém chịu chua, mặn tại vùng chua hẩu (giống chất lượng như Đài thơm, Hương cốm,... là những giống kém chịu chua mặn hơn rất nhiều so với nhóm lúa lai) nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng phát triển của lúa ở vụ xuân 2023 trong điều kiện thời tiết có nhiều khắc nghiệt từ đầu vụ.

Tăng cường thau chua, rửa mặn đồng ruộng

Trao đổi với PV Lao Động trưa nay 4.6, ông Đỗ Thanh Tùng - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình - cho biết: Xã An Tân và xã Hồng Dũng là 2 trong 8 xã trong vụ xuân 2023 lấy nước từ kênh N2 và sông Sinh, sông Sinh lấy nước từ hệ thống qua đập Cầu Cất, kênh N2 lấy nước từ cụm cống Đoài và cống Bùi 1.

Các cống sau cống Bùi 1 gồm 17 cống là: Thu Cúc, Đồng Đỗi, Thụy Việt 1 và 2, Vân Am, Thọ Cách, Hồng Quỳnh 1 và 2, An Bái, Ba Xã, Lưu Đồn, Vạn Đồn, Diêm Tỉnh, Cao Cổ, Cháy, Chỉ Bồ, Lỗ Trường về vụ xuân đều hầu như phải hoành triệt không lấy được nước vì bị mặn.

"Khi lấy nước các cống đều được kiểm soát độ mặn chặt chẽ, khi độ mặn đến 0,6 ‰ là phải đóng cống không được lấy nước. Vì vậy, nguồn nước cấp cho 8 xã trên đều bảo đảm về số lượng và chất lượng. Biểu hiện rõ nhất là lúa ở xã An Tân bị chết chòm, chết khoảnh nhưng cũng chỉ là cục bộ ở Hợp tác xã Thụy Tân 135,8 ha, ở Hợp tác xã Thụy Dũng 30 ha. Còn các Hợp tác xã khác cùng lấy một nguồn nước như nhau nhưng không có hiện tượng này", ông Tùng cho hay.

Mặt khác, vẫn theo ông Tùng, kết quả kiểm tra độ mặn tại khu vực xã Hồng Dũng xã An Tân vào chiều 31.5 của đoàn kiểm tra thể hiện, độ mặn tại cửa cống đều thấp hơn độ mặn trong đồng và nằm trong giới hạn cho phép (từ 3 - 4 ‰ tùy thuộc vào giống lúa ). Số liệu này cho thấy trong đồng nhiễm mặn là do chua phèn ở dưới đất bốc lên, không phải do nguồn nước mặn bên ngoài xâm nhập vào đồng ruộng.

"Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đang chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thái Thụy tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và huyện Thái Thụy tăng cường thau chua, rửa mặn, "giải độc" cho đất để đảm bảo khắc phục tối đa tình trạng bốc chua mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa ngay từ vụ mùa tới đây để nhân dân yên tâm sản xuất", ông Đỗ Thanh Tùng cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn