MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đo chỉ số côngtơ điện của các hộ dân trên phố Thái Hà, Hà Nội (ảnh chụp trước 1.4.2020). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Hóa đơn tiền điện tháng 3.2020 tăng vọt: Bình thường hay bất hợp lý?

Cao Nguyên LDO | 13/04/2020 07:05

Người dân đang bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 3.2020. Một số hộ dân cho biết, hoá đơn tiền điện tháng 3 tăng khoảng 40% so với tháng trước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải, trong bối cảnh dịch COVID-19, hầu hết người dân phải ở nhà nhiều hơn, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng. Về nguyên tắc, dùng điện nhiều, tiền điện sẽ tăng. Tuy nhiên, lúc này, người dân vẫn mong muốn được miễn giảm tiền điện.

Tiền điện tăng vọt

Gia đình chị Đinh Thị Thanh (trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) gồm 5 thành viên, sống trong căn hộ 80m2. Chị Thanh cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, 3 đứa con của chị nghỉ học ở nhà, vợ chồng cũng làm việc online và tiền điện tăng vọt. Tháng 3, chỉ số điện gia đình chị dùng tăng 40% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với nhiều gia đình khác, số tiền điện trong ba tháng qua tăng giao động từ 30 đến 40% so với các tháng trước. Tuy nhiên, anh Nguyễn Quốc Triều (ở chung cư Hataco Xuân Phương - Q.Nam Từ Liêm) cho là hợp lý. Bởi lẽ, cả gia đình anh ở nhà suốt ngày, nhu cầu sử dụng điện rất cao. “Khi ở nhà tiền điện tăng cao nhưng bù lại mình không mất tiền xăng xe. Thậm chí ăn uống cũng đảm bảo. Tất nhiên vì dịch mình mới buộc phải ở nhà chứ không ai mong muốn” - anh Triều tâm sự.

Còn gia đình chị Nguyễn Huyền (ở đường Phan Xích Long, Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, cũng không bất ngờ với hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 3 vì các thành viên ở nhà thường xuyên. Hơn nữa, thời tiết Nam bộ tháng 3 vào giai đoạn nắng nóng nhất năm nên nhu cầu dùng điều hòa thường xuyên. Số tiền điện gia đình chị Huyền phải đóng thêm trong tháng 3 vừa rồi là hơn 200.000 đồng.

Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCM), trong tháng 3 vừa qua, lượng tiêu thụ điện của nhóm hộ gia đình tăng 7,51%. Trong khi đó, nhóm sản xuất và kinh doanh dịch vụ giảm lần lượt 7,3% và 2,75%.

EVNHCM nhận định, ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng (có tính quy luật hằng năm), cộng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động lên việc sử dụng điện của khách hàng. Việc học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà để phòng chống dịch đã làm tăng nhu cầu sử dụng điện của nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.

Bình thường hay bất hợp lý?

Theo một số chuyên gia, tháng 3 là giai đoạn chuyển mùa nên việc phát sinh tăng giá điện mang tính quy luật hằng năm. Nguyên nhân bởi miền Nam bước sang thời tiết nắng nóng, còn miền Bắc cũng bắt đầu ấm dần lên. Trong khi đó, bối cảnh năm nay, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Người dân thực hiện cách ly xã hội nên phải ở nhà nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính - cho rằng, khi nhu cầu dùng điện tăng cao, người dùng càng nên tiết kiệm. Điện là năng lượng được khuyến khích tiết kiệm do chi phí sản xuất lớn, nên việc càng dùng nhiều sẽ dẫn đến việc chi trả nhiều hơn.

Theo EVN, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện, nhân viên điện lực sẽ phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện. Đặc biệt, với những hóa đơn có mức tăng trên 30%, các tổng công ty điện lực sẽ tiến hành phúc tra 100% chỉ số côngtơ trước khi phát hành tới khách hàng. Việc phúc tra sẽ do bộ phận độc lập thực hiện.

Chiều 12.4, Bộ Công Thương đã chính thức thông tin về việc giảm giá điện và giảm tiền điện - hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chống dịch COVID-19, bắt đầu từ tháng 4 - tháng 6.2020.

Về việc giảm giá điện, Bộ Công Thương cho biết, khách hàng sản xuất và kinh doanh sẽ được giảm giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20.3.2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và quy định giá bán điện.

Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT đối với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng).

Bộ Công Thương cũng sẽ giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19. Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19. Đồng thời cũng giảm 20% tiền điện cho các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19.

Với các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là gần 11.000 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỉ đồng, các hộ sinh hoạt được hỗ trợ giảm khoảng 2.900 tỉ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm khoảng 1.800 tỉ đồng. EVN giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch khoảng 100 tỉ đồng.

Thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực tại côngtơ điện của khách hàng. Do vậy đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6.2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7.2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn